Trong khi nhiều tập đoàn nhà nước khác làm ăn thua lỗ, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm thì Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là một trong số doanh nghiệp nhà nước giữ đà tăng trưởng cao, ổn định liên tiếp trong những năm gần đây.

Thị trường chứng khoán trầm lắng, việc thoái vốn còn nhiều khó khăn

Trong khi VNPT và các đơn vị trực thuộc nỗ lực vừa đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) giao, vừa hoàn thành công tác tái cơ cấu, thì một trong những khó khăn mà doanh nghiệp này đang phải đối mặt là công tác thoái vốn ở những công ty cổ phần mà VNPT có góp vốn nhưng không nắm cổ phần chi phối.

Theo đó, đơn vị này thừa nhận, sự trầm lắng của thị trường chứng khoán, tính thanh khoản thấp, thiếu nhà đầu tư quan tâm làm ảnh hướng đến công tác thoái vốn của VNPT theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cách đây chưa lâu, trong một Hội nghị giao ban quản lý nhà nước của Bộ TT&TT quý I/2017, ông Phạm Đức Long - Tổng giám đốc VNPT cho biết, trong tháng 3, VNPT đã tổ chức đấu giá công khai để thực hiện thoái vốn tại 8 danh mục đều không thành công vì không có nhà đầu tư quan tâm, trong số 8 danh mục này có 7 công ty thuộc khối xây lắp và Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (Maritime Bank).

Tính đến cuối năm 2016, VNPT đã thực hiện thoái vốn toàn bộ được 15 danh mục; giá trị vốn đầu tư trên sổ sách đã thoái xấp xỉ 31% tổng giá trị vốn đầu tư trên sổ sách phải thoái vốn (602 tỷ đồng/2.002 tỷ đồng). Tổng giá trị thu về là 1.044 tỷ đồng, bằng 174% so với giá trị vốn đầu tư trên sổ sách của VNPT.

VNPT đang tiếp tục thực hiện thoái vốn tại 16 danh mục theo phương thức tích tụ, thực hiện thoái vốn tại 36 danh mục theo phương thức thoái vốn trực tiếp (khớp lệnh, thỏa thuận, đấu giá, sáp nhập, giải thể). Tuy nhiên, việc triển khai tại các đơn vị này khá khó khăn, VNPT đã thực hiện thủ tục công bố bán cổ phần nhiều lần nhưng chưa có nhà đầu tư nào quan tâm. Việc thoái vốn không thành công tại nhiều đơn vị nhất là các đơn vị nhỏ thuộc khối xây lắp là một trong những việc chưa hoàn thành khi triển khai Đề án tái cơ cấu VNPT được thực hiện trong hơn 2 năm qua.

Trong bối cảnh thị trường còn khó khăn, việc thoái vốn theo đề án đã được phê duyệt phải thực hiện với yêu cầu đảm bảo hiệu quả việc thoái vốn, không làm thất thoát vốn nhà nước. Đây là một bài toán khó mà VNPT nhất định phải tìm được hướng giải trong thời gian tới.

Ba năm liên tiếp đạt mức tăng trưởng trên 20%

Mặc dù còn gặp nhiều thách thức nhưng qua các số liệu trong công bố thông tin kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 3 năm gần nhất của Tập đoàn VNPT, giai đoạn 3 năm 2014 – 2016 vừa được VNPT công bố ngày 1/6/2017 cho thấy, Tập đoàn này vừa thực hiện thành công tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, tổ chức, nhân sự nhưng VNPT vẫn đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng.

tap_doan_vnpt_fjbq.jpg
Ba năm liên tiếp, VNPT đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên 20%/năm

Năm 2014 đánh dấu sự thay đổi lớn tại VNPT khi từ 1/7/2014, MobiFone tách khỏi VNPT. Nếu tính doanh thu gộp 6tháng của MobiFone trước khi MobiFone tách ra thành một tổng công ty độc lập, tổng doanh thu của VNPT đạt 59.899 tỷ đồng, nhưng nếu bóc tách doanh thu riêng của VNPT (không gồm doanh thu MobiFone) đạt khoảng 51.151 tỷ  đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.627 tỷ đồng.

Sau khi MobiFone tách ra, doanh thu của VNPT bị sụt giảm mạnh, VNPT phải phát triển tăng doanh thu rất nhiều dịch vụ khác để bù đắp doanh thu sụt giảm khi tách MobiFone. Toàn bộ phần doanh thu của VNPT sau khi tái cơ cấu là doanh thu từ dịch vụ, hoàn toàn không có doanh thu từ việc kinh doanh thương mại.

Sang năm 2015, tổng doanh thu năm 2015 đạt 50.586 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của VNPT tăng trưởng mạnh đạt 3.453 tỷ đồng. Đáng chú ý là doanh thu năm 2015 dù tăng trưởng khá nhưng chưa đột phá là do triển khai chế độ kế toán, tài chính theo Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính: không thực hiện ghi nhận doanh thu từ hoạt động khuyến mại dịch vụ (khoảng 4.700 tỷ đồng).

Năm 2016, doanh thu VNPT tiếp tục gây ấn tượng mạnh đạt 53.139 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2016 của Tập đoàn đạt 4.140 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên 20%/năm. “Như vậy, 3 năm liền (2014-2016) lợi nhuận của VNPT đều tăng trên 20%, lợi nhuận của VNPT đã tăng gấp đôi sau 3 năm nhờ triển khai tái cơ cấu đúng hướng”, ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc VNPT nhận xét.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV VNPT cho biết, thực hiện tái cấu trúc, VNPT đã từng bước chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang phát triển, cung cấp các sản phẩm dịch vụ VT – CNTT. VNPT đã  áp dụng các phương pháp quản trị hiện đại (quản trị theo quy trình chuẩn, công cụ thẻ điểm cân bằng BSC, trả lương theo 3Ps…). VNPT cũng thực hiện phân phối thu nhập theo năng suất lao động của từng cá nhân, tạo động lực cho người lao động và đơn vị...

Sau khi tái cơ cấu, mô hình 3 lớp Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh của VNPT đã phát huy tác dụng. VNPT có nhiều điều kiện hơn trong việc đầu tư chăm sóc mạng lưới; hệ thống kênh bán hàng được chú trọng hơn, thống nhất và xuyên suốt trên toàn quốc; chuyên biệt hơn trong việc bán hàng/chăm sóc khách hàng... Khối công nghiệp cũng đã có điều kiện phát triển, đã đáp ứng 100% nhu cầu của VNPT và dần tiến ra thị trường trong và ngoài nước.

Tập trung chuyển đổi thành nhà cung cấp giải pháp ICT

Đánh giá về hoạt động của VNPT, Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định, năm 2016, đánh dấu sự chuyển mình của Tập đoàn VNPT sau 1 năm thực hiện đổi mới, sắp xếp lại mô hình hoạt động theo Đề án tái cơ cấu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 888/QĐ-TTg. VNPT đã tiếp tục củng cố, khẳng định vị trí là một trong ba trụ cột chính trên thị trường viễn thông - công nghệ thông tin tại Việt Nam.

Chia sẻ kế hoạch phát triển trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Phạm Đức Long cho biết, năm 2017 và thời gian tới VNPT sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển vào các dịch vụ mũi nhọn như di động, băng rộng, CNTT, Giá trị gia tăng. Đặc biệt, VNPT sẽ tập trung chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thành nhà cung cấp giải pháp dịch vụ ICT.

Định hướng phát triển này đã được VNPT cụ thể hóa ngay từ trong quá trình tái cấu trúc. Trong 3 năm qua, Tập đoàn VNPT cũng đã làm được những điều tưởng như không thể: từ những sản phẩm CNTT còn khiêm tốn đến nay đã triển khai VNPT - HIS, VnEdu, đã ký kết hợp tác về VT-CNTT với 51/63 UBND tỉnh, thành phố để triển khai các sản phẩm chính phủ điện tử (iOffice, iGate…).

Tính tới thời điểm này, VNPT đã tham gia sâu rộng vào việc ứng dụng CNTT trong an sinh xã hội và phục vụ chính quyền điện tử trên toàn quốc, có mối quan hệ chặt chẽ với các địa phương. Mới đây nhất, VNPT tiếp tục đi đầu trong việc xây dựng thành phố thông minh (Smartcity) tại Việt Nam khi chính thức được lựa chọn trở thành đối tác triển khai xây dựng Smartcity tại một số tỉnh/thành như TP HCM, Kiên Giang (Phú Quốc), Tiền Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk…

Mặt khác, VNPT chú trọng triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin trên cả 3 lĩnh vực công cụ, hệ thống quản lý cũng như đội ngũ thông qua việc đầu tư bài bản các hệ thống phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tấn công mạng, sẽ đưa trung tâm an ninh thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động. Đồng thời xây dựng đội ngũ chuyên gia trình độ cao để vừa bảo vệ hạ tầng mạng hệ thống thông tin nội bộ VNPT cũng như tiến tới cung cấp các dịch vụ an toàn thông tin của khách hàng, đặc biệt khách hàng chính phủ và doanh nghiệp./.