Nhiệt độ tăng cao bất thường tiếp tục được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới, cho thấy những tác động ngày một rõ rệt của biến đổi khí hậu. Trong khi khu vực miền Tây Canada và vùng Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ vẫn chưa hết “chật vật” với đợt nắng nóng kỷ lục gây ra do hiệu ứng “vòm nhiệt”, thì các nước Bắc Âu, vốn nằm trong vùng ôn đới lục địa và lạnh, cũng đang phải chứng kiến mức nhiệt tăng cao kỷ lục, thậm chí một số nơi lên tới 34 độ C.

Viện Khí tượng quốc gia Phần Lan cho biết, nước này vừa trải qua tháng 6 nóng nhất trong lịch sử kể từ khi dữ liệu về nhiệt độ được ghi nhận từ năm 1844. Tại Kevo, cực Bắc Phần Lan, nhiệt độ cuối tuần qua tăng cao kỷ lục 33,4 độ C, cao nhất kể từ năm 1914 khi nhiệt độ tại đây lên tới 34,7 độ C.

Một số vùng của Thụy Điển cũng ghi nhận nền nhiệt độ cao trong tháng 6 vừa qua. Tính nhiệt độ trung bình trên cả nước, nước này trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng thứ 3 trong lịch sử. Tương tự tại Na Uy, Viện Khí tượng nước này ghi nhận nhiệt độ 34 độ C tại Saltdal, một địa điểm gần vòng cực. Đây là nhiệt độ cao nhất ghi nhận tại Na Uy trong năm nay và chỉ thấp hơn 1,6 độ C so với nhiệt độ cao kỷ lục ghi nhận ở nước này.

Không chỉ Bắc Âu, nhiều khu vực khác trên thế giới cũng đang trải qua những ngày Hè nắng nóng. Canada đang phải ứng phó với một loạt đám cháy rừng tại tỉnh British Columbia sau khi trải qua đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao chưa từng thấy, tới 49,6 độ C. Ngày 1/7 vừa qua, Liên Hợp quốc xác nhận mức nhiệt độ cao kỷ lục tại châu Nam Cực là 18,3 độ C được ghi nhận năm ngoái. Con số này mang ý nghĩa quan trọng đã phác họa phần nào bức tranh về thời tiết và khí hậu ở một trong những khu vực ấm lên nhanh nhất hành tinh.

Một nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí Biến đổi khí hậu tự nhiên (Nature Climate Change) cho thấy, biến đổi khí hậu gây ra hơn 30% số ca tử vong liên quan đến nắng nóng. Đợt nắng nóng đỉnh điểm vừa qua tại Canada và Tây Bắc nước Mỹ là minh chứng rõ rệt nhất. Nền nhiệt tăng cao kỷ lục đã khiến hàng trăm người tử vong. Dù đợt nắng nóng tồi tệ nhất đã trôi qua vào ngày 30/6, nhưng bang Oregon của Mỹ đã ghi nhận 63 ca tử vong liên quan đến hiện tượng thời tiết cực đoan này, trong khi Canada là hơn 700 và vẫn đang phải vật lộn với các đám cháy rừng gia tăng sau đó.

Biến đổi khí hậu đang làm các mốc nhiệt độ cao kỷ lục xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn. Trên toàn cầu, Thập kỷ kết thúc vào năm 2019 là giai đoạn nóng nhất từng được ghi nhận. Ngoài ra, 5 năm vừa qua cũng là 5 năm nóng nhất trong lịch sử./.