Sau vụ việc lộ thông tin khoảng hơn 50 triệu tài khoản người dùng, Giám đốc điều hành mạng xã hội Facebook - Mark Zuckerberg đã nhận lỗi. Tuy nhiên, toàn bộ ban giám đốc của Facebook có thể sẽ tiếp tục phải đối mặt không chỉ với những cáo buộc của giới chức Anh và Mỹ, mà còn sự tẩy chay của người dùng và những vụ kiện tập thể về việc hãng này vi phạm quyền riêng tư, khi thu thập danh sách các cuộc gọi và tin nhắn văn bản của người dùng.

3_secd.jpg
Người Việt chủ quan với việc bảo vệ thông tin cá nhân. (Ảnh: KT).

Theo nhiều chuyên gia an ninh mạng tại Việt Nam, sự việc 50 triệu thành viên của Facebook bị rò rỉ thông tin dường như không gây chú ý nhiều với người dùng ở Việt Nam. Nguyên do là người dùng ở Việt Nam chưa có thói quen quan tâm đến việc bị thu thập dữ liệu dù đã được cảnh báo nhiều lần.

Cuối năm 2017, khảo sát của Công ty Tư vấn Nghiên cứu toàn cầu Kantar TNS với 70.000 người từ 56 quốc gia cho thấy chỉ có 18% người Việt lo ngại trước việc thông tin cá nhân bị thu thập và phân tích, trong khi tỷ lệ này trên toàn cầu là 40%.

Bên cạnh đó, chỉ 20% người Việt Nam cảm thấy bất lợi trước việc các thiết bị có kết nối internet của họ được cài đặt theo dõi hành vi trực tuyến với mục đích làm cho cuộc sống của họ dễ dàng hơn, trong khi tỷ lệ này ở Hàn Quốc là 56% và 62% ở New Zealand.

Theo các chuyên gia của Kantar, những con số này cho thấy, phần lớn người sử dụng internet tại Việt Nam chưa ý thức được những sự đánh đổi mà họ có thể sẽ đối mặt khi chọn lối sống kết nối trực tuyến - điều khiến nhiều quốc gia hoài nghi về cách các công ty sử dụng thông tin cá nhân của khách hàng.

Chuyên gia an ninh mạng tại Việt Nam cho biết, hiện nay không chỉ Facebook mà rất nhiều ứng dụng trên mạng đang thu thập dữ liệu của người dùng. Bởi việc phân tích dữ liệu của hàng triệu hay hàng tỷ người dùng đã được áp dụng công nghệ dữ liệu lớn để phân tích sâu vào thói quen, sở thích, hành vi… của từng nhóm người dùng, từ đó đưa thông tin đến đúng đối tượng.

Đây cũng là cơ chế mà Facebook sử dụng, khi những người có tài khoản mạng xã hội này vẫn thường xuyên nhận được những quảng cáo có mục đích.

Vụ việc kiểm tra an toàn tài khoản Facebook bằng cách bình luận chữ "BFF" mới đây một lần nữa lại chứng tỏ nhiều người Việt hiện nay dùng Facebook và các mạng xã hội một cách quá chủ quan.

Theo ông Bùi Quang Minh, Giám đốc điều hành Công ty bảo mật SecurityBox, có những cách thức bảo mật thông tin, tài khoản mà nhiều người biết nhưng không làm hoặc lười làm. Thay vào đó, họ lại dễ dàng tin vào kiểu kiểm tra bằng một trò đùa, để rồi bỏ ngỏ sự an toàn của thông tin cá nhân.

Ông Bùi Quang Minh cho biết, điểm yếu cố hữu nhất vẫn là "đặt mật khẩu dễ đoán (kiểu như 12345678) hoặc ngày sinh, hay đặt cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản email, mạng xã hội. Thứ hai là nhiều người dùng hay "tò mò bấm vào các đường dẫn giả mạo không rõ nguồn gốc từ người lạ để rồi bị lừa mất tài khoản hoặc nhiễm mã độc".

Sự chủ quan của người dùng Việt còn được chuyên gia Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Công ty an ninh mạng CyRadar bổ sung: "Thực tế hầu hết những vụ việc bị lộ thông tin cá nhân và dữ liệu riêng tư trên mạng xã hội là do chính người dùng tự chia sẻ quá nhiều thông tin của họ một cách công khai (ai cũng xem được). Những kẻ xấu luôn rình rập tìm cách lợi dụng tính chia sẻ của mạng xã hội để trục lợi".

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng Tập đoàn Bkav nhấn mạnh, "Người dùng khi cài các ứng dụng hay tham gia các trò chơi trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Twitter, ví dụ như Xem bạn giống ca sỹ, người mẫu nào? Bao nhiêu tuổi bạn sẽ là tỷ phú... rồi chia sẻ cho nhau, thì càng dễ dàng bị thu thập thông tin hơn. 

Theo ông Ngô Tuấn Anh, qua vụ việc của Facebook, người sử dụng Việt Nam cần nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Đồng thời, đặt ra cho đơn vị quản lý, cơ quan chức năng cũng như các quốc gia vấn đề là cần có nhiều hơn nữa các quy định cụ thể về việc bảo vệ thông tin cá nhân của người sử dụng./.