Ông Hoàng Sơn, Phó TGĐ Tập đoàn Viễn thông Quân đội vừa cung cấp một số thông tin liên quan đến lộ trình cung cấp dịch vụ 4G của Viettel sau khi được cấp phép chính thức ngày 14/10/2016.

Liên quan đến lộ trình cung cấp chính thức dịch vụ 4G, ông Hoàng Sơn cho biết, khi được cấp phép chính thức, nhà mạng này đã bắt tay vào đầu tư thiết bị, xây lắp hạ tầng, dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ 4G vào quý I/2017 trên quy mô toàn quốc.

4g_saca.jpg
Giá cước dịch vụ 4G dự kiến còn rẻ hơn cước 3G. (Ảnh minh họa: KT)
Về giá cước, ông Sơn cho biết, giá thành sẽ rẻ nhờ lợi thế quy mô. Với 4G, giá cước sẽ rẻ hơn 3G, đồng thời Viettel cũng sẽ tạo ra các gói cước linh hoạt để khách hàng được sử dụng với mức chi phí hợp lý nhất.

Về vấn đề phủ sóng, đại diện Viettel chia sẻ, ngay từ đầu vùng phủ sóng 4G của Viettel sẽ rộng khắp, như đã từng làm với với mạng 2G, với mục tiêu phổ cập dịch vụ băng rộng di động (mobile broadband).

Lý do sẽ triển khai 4G rộng như 2G được biết là do hiện nay giá thiết bị 4G đã rẻ. Nếu như ở công nghệ 2G và 3G, Viettel phải đi mua thiết bị của các nhà cung cấp thiết bị viễn thông, thì hiện nay Viettel đã sản xuất được thiết bị 4G và đã đem vào thử nghiệm tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo ông Sơn, đây chính là lợi thế của Viettel khi triển khai 4G. Tất nhiên, để triển khai 4G rộng như 2G sẽ cần phải có nguồn lực tài chính mạnh và Viettel đã chuẩn bị cho việc đầu tư chiến lược này.

Ngoài ra, đại diện Viettel cho rằng, thời điểm này, giá thiết bị 4G và 3G đã tương đương nhau nên người dân không có trở ngại gì trong việc sở hữu 1 chiếc smartphone 4G.

“Năm 2008, khi mà thu nhập bình quân/người của Việt Nam chỉ bằng một nửa bây giờ, chúng ta đã đạt mật độ 85% - 90%, tức là đã gần như phổ cập dịch vụ 2G. Giá của thiết bị 2G lúc ấy cũng khoảng 1 triệu đồng. Bây giờ, máy điện thoại 4G cũng chỉ khoảng 40 – 50 USD, GDP/người cũng cao gấp đôi năm 2008 nên việc phổ cập là khả thi”, ông Sơn nói.

Trước đó, ngày 14/10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã ký giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel. Đây là cơ sở để nhà mạng chính thức cung cấp dịch vụ 4G đến khách hàng. Để chuẩn bị cho việc triển khai 4G, cuối 2015, Viettel thử nghiệm cung cấp 4G tại hai thành phố là Bà Rịa - Vũng Tàu và Hà Nội.

Bên cạnh thị trường trong nước, Viettel đã triển khai 4G ở một số quốc gia. Mạng 4G lớn nhất của Viettel hiện nay là tại Campuchia, với gần 500 trạm, đã chạy được hơn 1 năm với vùng phủ trên 90% lãnh thổ. Viettel cũng đã cung cấp dịch vụ tới khách hàng như ở Burundi, Lào, Haiti và Peru./.