Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA), tính đến hết quý 1/2016, có 1,29 tỷ thuê bao 4G LTE với bình quân 2 triệu thuê bao mới mỗi ngày được các nhà mạng khai thác. Trên thế giới cũng đã có 503 mạng 4G LTE được thương mại hoá tại 167 quốc gia.

Tại Việt Nam, đầu năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển băng rộng quốc gia đến năm 2020, nhằm xây dựng hạ tầng băng rộng có thể phủ sóng 3G/4G đến 95% dân số vào năm 2020.

ptam_zbop.jpg
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nêu rõ tính ưu việt của dịch vụ công nghệ 4G.
Từ cuối năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 4G/LTE cho một số nhà mạng lớn như Viettel, Mobifone, VNPT, FPT và dự kiến được cấp phép chính thức vào cuối năm nay sau khi hoàn tất báo cáo kết quả thử nghiệm từ các nhà mạng.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến như 4G LTE, internet vạn vật IoTs... góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và chất lượng phục vụ cộng đồng như giám sát và bảo vệ môi trường, xây dựng ngôi nhà thông minh, thành phố thông minh, chăm sóc sức khoẻ... Mạng và dịch vụ di động băng rộng công nghệ 4G mở ra cơ hội to lớn cho việc đạt được các mục tiêu này.

Cũng theo Thứ trưởng Phan Tâm, với dịch vụ công nghệ 4G, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội phát triển kinh doanh trên môi trường số mọi lúc, mọi nơi, với chi phí tối thiểu, tạo thuận lợi cho việc kết nối thông suốt các chuỗi giá trị hàng hoá, sản xuất, dịch vụ, phân phối trong nước và quốc tế. Chính phủ có thêm điều kiện đẩy mạnh triển khai chính quyền điện tử rộng khắp, phục vụ tốt hơn cho mọi người dân.

“Ứng dụng đa dạng trên mạng di động băng rộng cũng góp phần hiện thực hoá sớm mục tiêu thành phố thông minh, giao thông thông minh, y tế từ xa... Vì vậy, việc phát triển bền vững và kinh doanh hiệu quả băng rộng 4G gắn kết chặt chẽ với việc phát triển hệ sinh thái mà internet vạn vật IoT là cấu thành không thể thiếu”, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định.

Theo đánh giá của ông Mantosh Malhotra, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á, bên cạnh những cơ hội mở ra, 4G cũng đi kèm với nhiều thách thức mà Việt Nam cần phải đối mặt như vùng phủ sóng, an toàn bảo mật, năng lực mạng lưới, đảm bảo chất lượng dịch vụ và giá cả thiết bị phải phù hợp với ngân sách người dùng.

“Để vượt qua những thách thức này, Việt Nam cần có sự phối hợp đồng bộ giữa chính sách quản lý và cam kết mạnh mẽ từ phía  các nhà mạng”, ông Mantosh Malhotra lưu ý./.