Black Friday (thứ 6 đầu tiên sau lễ Tạ ơn) là một trong những dịp mua sắm lớn nhất trong năm, thu hút lượng lớn người mua sắm, mang về doanh thu "khủng" cho các doanh nghiệp.

black_friday_serg.jpg
Cần thận trọng khi lựa chọn mua hàng công nghệ giảm giá dịp Black Friday. (Ảnh: internet).

Tại Việt Nam, tranh thủ dịp Black Friday, các doanh nghiệp đã treo biển giảm giá sốc từ cách đây cả tuần. Rầm rộ nhất là các chương trình từ các trang giao dịch mua sắm trực tuyến. Đây cũng là dịp người tiêu dùng có thể mua được hàng hóa với mức giảm giá "khủng".

Tuy nhiên, theo nhiều người, sản phẩm công nghệ không giống với các mặt hàng thông thường khác. Sản phẩm được giảm giá sốc thường là hàng tồn kho, hàng trưng bày hiệu suất hoạt động đã kém hơn, chưa kể sản phẩm giảm giá kèm theo dịch vụ bảo hành, bảo trì không đầy đủ như sản phẩm mới.

Anh Nguyễn Việt Quân, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay, anh cũng thích săn hàng sale những dịp như Black Friday, ngày lễ độc thân (11/11) hay Cyber Monday... tuy nhiên, sản phẩm công nghệ anh lại không mấy khi chọn hàng giảm giá.

"Sản phẩm điện máy, công nghệ thông thường chỉ bảo hành toàn máy từ 6-18 tháng, một số sản phẩm đặc biệt mới được bảo hành 24-36 tháng. Dịp giảm giá thường là cơ hội cho các doanh nghiệp đẩy hàng tồn. Mua trực tiếp chọn đã khó, mua trực tuyến càng khó kiểm soát hơn. Do đó, mua giảm giá với sản phẩm công nghệ chưa chắc đã là rẻ", anh Quân chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều trường hợp các đại lý, cửa hàng tự nâng giá để ghi giá giảm 30-50% nhưng giá bán thực sự không đổi hoặc thậm chí cao hơn thường ngày. Tuy việc nâng giá trước khi giảm giá là chiêu trò không mới, thế nhưng vẫn không ít người bị mắc bẫy.

Trên nhiều trang thương mại điện tử, các mẫu ti vi thông minh, smartphone, máy ảnh, loa bluetooth, tai nghe... được quảng cáo giảm 40-60%, thế nhưng khi so sánh với giá bán hiện tại trên thị trường, chúng không có quá nhiều khác biệt.

Theo những người chuyên săn hàng giảm giá, để tránh sập bẫy khuyến mãi ảo của các cửa hàng, người mua không nên quá chú tâm vào con số giảm giá bao nhiêu phần trăm.

Thay vào đó, trước khi quyết định mua một mặt hàng, người dùng có thể so sánh giá của sản phẩm đang sale với giá thị trường hoặc giá tại một số cửa hàng khác.

Nhiễm mã độc vì Black Friday

Bên cạnh nguy cơ mua phải sản phẩm công nghệ kém chất lượng, người dùng còn có thể bị đánh cắp thông tin cá nhân, nhiễm các loại mã độc, virus làm hư hại thiết bị mình đang sử dụng khi bấm vào xem những sản phẩm giảm giá "khủng" ở những trang web không rõ ràng, thiếu tin cậy.

Theo Adobe, Black Friday và Cyber Monday năm ngoái đã mang về doanh thu hơn 11,5 tỉ USD, cùng với nhiều miếng mồi béo bở là người mua sắm và các nhà bán lẻ cho tội phạm mạng.

Nghiên cứu của các chuyên gia tại RiskIQ cho thấy, hàng trăm ứng dụng độc hại, trang web giả mạo, cung cấp các sản phẩm giảm giá để đánh cắp thông tin, tiền bạc của người dùng.

Cụ thể, với từ khóa "Black Friday", các chuyên gia phát hiện có đến 237/4.324 kết quả là độc hại. Tương tự, với từ khóa "Cyber Monday" có 44/959 ứng dụng là phần mềm chứa mã độc.

Bên cạnh đó, tin tặc cũng gia tăng các cuộc tấn công vào những nhà bán lẻ phổ biến. Theo nghiên cứu của Kaspersky Lab, từ tháng 7-9, đã có 9,2 triệu cuộc tấn công vào các cửa hàng trực tuyến.

Yury Namestnikov, một chuyên gia bảo mật của Kaspersky Lab khuyến cáo, để tham gia mùa mua sắm trực tuyến lớn nhất năm này, người tiêu dùng và các nhà bán lẻ nên thận trọng, kiểm tra tính toàn vẹn và an toàn của trang web trước khi nhập thông tin hoặc tải xuống bất cứ dữ liệu nào.

Cùng với đó, hãy cảnh giác nếu một ứng dụng mua sắm yêu cầu quyền truy cập danh bạ hoặc mật khẩu của bạn./.