Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thứ 5 (5G) do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì tổ chức khai mạc sáng nay (22/3) tại Hà Nội. Đây là hội nghị đầu tiên của ASEAN về phát triển mạng 5G, với chủ đề "5G và Kỷ nguyên số".

vov_asean_va_5g_qwrz.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Hội nghị Asean về 5G tại Hanoi lần này là hội nghị đầu tiên của Asean về 5G. Là một thông điệp gửi đi về việc các nước Asean sẽ cùng đi đầu với thế giới về công nghệ mới. Sẽ không còn chuyện, có những nước Asean đi sau thế giới về 3G/4G 6-8 năm. Đây cũng là hội nghị đầu tiên, khi các nước Asean cùng nhau trên tinh thần: Làm việc cùng nhau và cùng nhau phát triển. Cùng nhau bàn bạc về lộ trình cho một công nghệ mới.

Hội nghị đầu tiên của Asean về 5G là một sáng kiến của Việt Nam. Tiến tới, mỗi nước Asean sẽ nhận một số sáng kiến để thực hiện, và khi thành công thì sẽ chia sẻ kinh nghiệm ra các nước còn lại. Bằng cách này, sức mạnh của Asean sẽ tăng lên hàng chục lần.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hầu hết các nước Asean đã tuyên bố chiến lược của mình về kinh tế số. Cụ thể, Thái Lan đã đổi tên Bộ Thông tin và Công nghệ truyền thông (ICT) thành Bộ Kinh tế và Xã hội số, thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính phủ về kinh tế số, đặt mục tiêu ngành công nghiệp số chiếm tới 25% GDP vào năm 2025. Gần đây nhất, Campuchia đã lần đầu tiên tổ chức diễn đàn Digital Cambodia để đẩy mạnh chuyển đổi số và hướng tới một nền kinh tế số.

Chúng ta sẽ bàn về vai trò của 5G đối với kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Về vai trò của 5G đối với Digital Asean. Chúng ta đều có một nhận thức chung là Kinh tế số, 5G sẽ giúp Asean tiếp tục là một khu vực năng động, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng.

Công nghệ 2G là công nghệ điện thoại thuần tuý. Công nghệ 3G là nửa điện thoại, nửa data. Công nghệ 4G là thuần tuý data, nhưng là cho người với người. Công nghệ 5G là công nghệ data, nhưng là công nghệ đầu tiên được thiết kế cho kết nối vạn vật, với một loạt tính năng mới, như độ trễ thấp, tiêu thụ nguồn nhỏ. Công nghệ 5G sẽ tạo ra một cuộc cách mạng về kết nối. 2G/3G/4G kết nối 7 tỷ người thì 5G sẽ kết nối hàng ngàn tỷ thiết bị, chuyển tải toàn bộ thế giới vật lý vào thế giới ảo. Và thay đổi cơ bản cuộc sống loài người, khi vạn vật cất tiếng nói như con người. Đây là sứ mạng của 5G, và sứ mạng ấy đặt lên vai ngành công nghệ thông tin (ICT).

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, một sự tiếp cận được khuyến nghị cho 5G là cách tiếp cận theo các pha. Pha đầu là sự bổ sung tăng dung lượng của 5G cho 4G tại các thành phố lớn, các trung tâm thành phố, và khi đó 4G vẫn là mạng chính. Đây chính là ứng dụng nâng cao chất lượng di động băng rộng của 5G - Enhanced Mobile Broadband. Pha tiếp theo sẽ là ứng dụng IoT diện rộng - Massive IoT, và ứng dụng IoT với tính năng độ trễ thấp, độ tin cậy cao. Và cuối cùng sẽ là sự xuất hiện của 5G trong tất cả các lĩnh vực.

Theo Bộ trưởng, khi cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra, khi một công nghệ mới như 5G xuất hiện thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước ASEAN có cơ hội bứt phá, nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự.

"Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách và trong cách tiếp cận. Hội nghị về 5G của chúng ta lần này cũng là để bàn về cách tiếp cận của ASEAN. Đây là hội nghị đầu tiên và Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo tiếp theo để ASEAN chúng ta luôn đi cùng nhau, luôn chia sẻ cùng nhau", ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá đây là một diễn đàn quan trọng để các nước cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và ứng dụng công nghệ; nhận diện rõ những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Trên cơ sở đó đề ra định hướng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho phát triển công nghệ, mạng thông tin di động 5G ở khu vực ASEAN trong thời gian tới.

"Đứng trước sự thay đổi, tiến bộ công nghệ, những ai, đất nước, khu vực chủ động và thuộc những nhóm tiên phong đi đầu, thì sau này gặt hái được nhiều thành công hơn. Chúng ta nhìn lại lịch sử từ hàng trăm năm qua, đứng trước các vấn đề mới, vấn đề chung của khu vực và thế giới, cần có sự kết hợp chặt chẽ", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, công nghệ luôn có hai mặt. Nói đến internet là phải nói đến đảm bảo an ninh mạng, quyền riêng tư… phát huy trí tuệ, sức sáng tạo và quyền làm chủ của mỗi cá nhân trong xã hội; Liền với đó là khắc phục các mặt trái của công nghệ.

"Nhìn từ lịch sử có thể thấy, nếu cùng hợp tác, ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm xử lý các vấn đề an toàn an ninh thông tin, vấn đề riêng tư… chúng ta sẽ giảm thiểu được các mặt không thuận đó của công nghệ mới, internet", Phó Thủ tướng khẳng định./.