Theo thống kê của Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), 95% các sự cố an toàn thông tin bắt nguồn từ lỗi của con người. Gần đây nhất sự cố lộ mật khẩu của hơn 1,4 tỷ tài khoản sử dụng thư điện tử trên thế giới, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam đã phân tích và phát hiện khoảng 438.000 tài khoản sử dụng thư điện tử tại Việt Nam bị lộ mật khẩu, trong đó có khoảng 930 tài khoảng có đuôi gov.vn.

attt_2_fdqq.jpg
An toàn thông tin tiếp tục là vấn đề nóng trong năm 2018. (Ảnh: KT)

Nguy cơ mất an toàn thông tin vẫn hiện hữu khắp mọi nơi, tạo điều kiện cho tin tặc sử dụng tài khoản đăng nhập vào hệ thống thông tin, đánh cắp dữ liệu, thậm chí còn phá huỷ hệ thống thông tin.

Tại buổi "Tổng kết công tác năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018" mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, tình hình an toàn thông tin mạng trong năm 2018 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, các cuộc tấn công mạng của tin tặc sẽ sử dụng các công nghệ thông minh hơn, kể cả trí tuệ nhân tạo và sẽ ngày càng nguy hiểm khi tấn công có chủ đích nhằm vào các hạ tầng trọng yếu quốc gia.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, "Qua các sự cố về mất an toàn thông tin ở Việt Nam, có thể thấy nguyên nhân chủ yếu là do con người, xuất phát từ nhận thức còn hạn chế về an toàn thông tin".

Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Qua các sự cố về mất an toàn thông tin ở Việt Nam, có thể thấy nguyên nhân chủ yếu là do con người.

Sự phức tạp của môi trường công nghệ thông tin phụ thuộc vào sự đa dạng của thiết bị. Trong khi đó, người sử dụng ở bất cứ tổ chức, doanh nghiệp nào… cũng muốn dùng thiết bị cá nhân, để phục vụ cho công việc.

Nếu các đơn vị không có những giải pháp bảo mật, thì nguy cơ mất an toàn thông tin sẽ tiềm ẩn trong những thiết bị di động của cá nhân. Chưa kể, số lượng người dùng Internet tăng nhanh, chiếm khoảng 54% dân số cả nước, nhưng nhận thức của người dùng về an toàn thông tin chưa cao, nhất là còn nhiều người chưa có thói quen sử dụng phần mềm bản quyền.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đường - Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam nhấn mạnh, "Các phần mềm, mã độc, gián điệp khi xâm nhập vào thiết bị, người dùng không nhìn thấy được, vì thế, điều kiện tiên quyết của an toàn thông tin là phải nâng cao nhận thức của người sử dụng".

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ thư rác cao nhất thế giới. Số lượng thư rác được phát tán từ Việt Nam chiếm tỉ lệ khoảng 10,3% tổng thư rác trên thế giới.

Theo số liệu của Cục An toàn Thông tin, khoảng 50% người dùng có nguy cơ lây nhiễm mã độc khi sử dụng Internet trên máy tính và gần 70% máy tính có nguy cơ bị lây nhiễm phần mềm độc hại cục bộ qua USB, thẻ nhớ...

Bà Bùi Thị Huyền, chuyên viên Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông phân tích, "đa phần các sự cố an toàn thông tin xảy ra tại máy tính cá nhân, hoặc máy tính của nhân viên trong 1 tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp. Họ chủ quan, nên khi bị tấn công không biết là máy tính của mình đã nhiễm mã độc từ 1, thậm chí 2 năm trước. Vì vậy, cần phòng chống việc lây nhiễm mã độc trở lại".

Bà Huyền cũng cho rằng bên cạnh sự tham gia của các cơ quan về an toàn thông tin như của Cục An toàn Thông tin, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), các sở thông tin truyền thông… cần phải tuyên truyền để người dùng không có hành động làm lây nhiễm mã độc trở lại./.

Cảnh báo lỗ hổng an toàn thông tin

VOV.VN - Việc tin tặc tấn công hệ thống thông tin của hãng hàng không Việt Nam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng an toàn thông tin.