Những bản án tử hình, tù có thời hạn, hay án dành cho những cán bộ công chức, viên chức vi phạm pháp luật tại Lai Châu thời gian qua đã nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân, bởi điều này cho thấy, ngoài đẩy mạnh thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm và triển khai quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Những ngày qua, dư luận ở tỉnh biên giới Lai Châu xôn xao khi liên tiếp các vụ án kinh tế, với số tiền bị trục lợi, thất thoát lên tới hàng chục tỷ đồng được tòa án nhân dân tỉnh Lai Châu đưa ra xét xử. Điển hình như vụ việc thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu, Ngân hàng Nông nghiệp huyện Sìn Hồ và Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sìn Hồ, với số tiền mà các đối tượng gây thất thoát lên tới gần 100 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Nguyện, đảng viên sinh sống ở Tổ dân phố số 23, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu cho biết: Khi nghe báo, đài thông tin về vụ việc, ông thực sự giật mình, bởi dù đã phát triển nhiều so với trước, nhưng Lai Châu vẫn là tỉnh nghèo, hoạt động bộ máy phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách nhà nước. Ông cũng như những người dân trên địa bàn đồng tình cao với sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng của Trung ương và của tỉnh như thời gian qua.
Ông Phan Văn Nguyện chia sẻ: "Là người dân ở Lai Châu ai cũng biết 2 trong 3 vụ án lớn về kinh tế tại địa phương đã mang ra xét xử, trong đó có 1 án tử hình, 2 án chung thân và nhiều án phạt tù có thời hạn. Là người dân, chúng tôi rất đồng tình với các mức án phạt đã đưa ra. Mong rằng đây sẽ là vụ việc cảnh tỉnh cho những ai nắm trong tay chức vụ mà có ý định lợi dụng để vi phạm pháp luật".
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, cấp ủy các cấp và cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu như Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thanh tra tỉnh, Ban Nội chính tỉnh đã kiểm tra hàng trăm lượt tổ chức đảng, với trên 1.000 đảng viên. Trong đó, đã giám sát hàng chục lượt tổ chức đảng, gần 1.000 đảng viên về công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm về quản lý, thu, chi tài chính, kịp thời ngăn chặn trước khi sai phạm xảy ra.
Ông Phạm Văn Hiển, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Lai Châu cho biết: Quan điểm của tỉnh là xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. 5 năm qua, Ban Nội chính tỉnh đã tổ chức 14 cuộc kiểm tra, giám sát, rà soát thực hiện phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, phối hợp với ngành Thanh tra triển khai hơn 800 cuộc thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện những dấu hiệu sai phạm về kinh tế gần 87 tỷ đồng và đề nghị cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý 5 vụ, 28 đối tượng về hành vi tham nhũng.
Cũng theo ông Hiển, việc triển khai công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Lai Châu hiện nay gặp không ít khó khăn, do người vi phạm thường là những người đứng đầu các cơ quan, tổ chức; việc xác minh nguồn gốc tài sản, kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên chưa được kiểm soát chặt chẽ:
Ngoài các mục tiêu đảm bảo an ninh chính trị, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, giữ rừng đầu nguồn để ổn định và phát triển kinh tế, trong dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Lai Châu nêu rõ sẽ tiếp tục tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, qua đó, góp phần giữ vững niềm tin của quần chúng nhân dân đối với cơ quan công quyền ở địa phương và đối với Đảng trong giai đoạn hiện nay./.