Sáng 6/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì lễ đón trọng thể Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev sang thăm chính thức nước ta từ ngày 5 - 7/4.
Sau lễ đón, hai Thủ tướng đã tiến hành hội đàm, thảo luận và thống nhất nhiều biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, năng lượng, kỹ thuật quân sự, trong đó Việt Nam và Liên bang Nga phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2020.
Chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Medvedev diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga đang phát triển tích cực với nhiều triển vọng hợp tác ngày càng mở rộng và thực chất hơn. Đặc biệt năm nay hai nước kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cũng như các sự kiện trọng đại ở mỗi nước, nên chuyến thăm lần này sẽ là dấu mốc quan trọng trong quan hệ giữa Việt nam và LB Nga, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ và hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, kỹ thuật quân sự đang là những lĩnh vực trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chào mừng Thủ tướng Medvedev và đoàn đại biểu Chính phủ Liên bang Nga sang thăm chính thức Việt Nam, tin tưởng rằng kết quả tốt đẹp của chuyến thăm sẽ tạo động lực mới cho việc củng cố, phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.
Trong không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Medvedev khẳng định tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, đáp ứng lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước cũng như tiếp tục các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác trong tất cả các lĩnh vực.
Về quan hệ chính trị, hai Thủ tướng nhất trí cần tiếp tục duy trì và tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, đa dạng hóa các kênh hợp tác theo đường Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức xã hội cũng như giữa các địa phương; tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế.
Hai Thủ tướng điểm lại việc triển khai các dự án trọng điểm, tập trung đánh giá những kết quả và tồn tại trong các lĩnh vực hợp tác, đặc biệt là hợp tác về kinh tế, đầu tư, thương mại, dầu khí, điện hạt nhân và kỹ thuật quân sự. Hai bên cho rằng kim ngạch song phương thời gian qua có phần giảm sút và để cải thiện tình hình, hai Thủ tướng thống nhất các Bộ, ngành, doanh nghiệp cần nhanh chóng tìm các biện pháp phù hợp, trong đó có việc đẩy nhanh ký kết chính thức Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu trong nửa đầu năm 2015, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều lên mức 10 tỷ USD vào năm 2020.
Hai Thủ tướng cũng đề nghị ngân hàng hai nước tích cực nghiên cứu, đề xuất khả năng thanh toán bằng đồng nội tệ của nhau trong các giao dịch để hỗ trợ thúc đẩy thương mại song phương.
Hai bên nhất trí cho rằng hiện nay đầu tư song phương còn chưa tương xứng với nhu cầu và tiềm năng của mỗi nước, cho rằng Tổ Công tác chung cấp cao về các dự án đầu tư ưu tiên Việt – Nga do hai Bộ trưởng Công Thương đứng đầu cần đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn lĩnh vực đầu tư và triển khai hiệu quả các dự án đã lựa chọn.
Hai Thủ tướng đánh giá cao việc các Bộ, ngành và cơ quan liên quan hai nước đang triển khai tích cực hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, điện hạt nhân, công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp... Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới khó khăn và tác động trực tiếp đến mỗi nước, hai bên nhất trí cần tăng cường hợp tác chặt chẽ, bảo đảm vốn triển khai các dự án năng lượng, trong đó có các dự án dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam và ở Nga với mục đích tăng cường hợp tác không chỉ trong lĩnh vực thăm dò và khai thác mà mở rộng sang cả lĩnh vực chế biến và lọc hóa dầu.
Hai bên khẳng định thúc đẩy triển khai xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 như đã thỏa thuận theo phương châm đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn cao nhất, trong đó tuân thủ đúng các quy định pháp luật Việt Nam về đầu tư xây dựng.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội đàm, Thủ tướng LB Nga Medvedev khẳng định: “Việc hợp tác trong ngành năng lượng biển, chúng tôi cũng nhất trí rằng 2 bên cần sớm ký kết thỏa thuận khung toàn thể để triển khai dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. Ghi rõ từng giai đoạn triển khai dự án này, chúng tôi cũng có đề cập giống như đồng chí Nguyễn Tấn Dũng đã nói, đề cập đến việc triển khai hợp tác trong ngành dầu khí. Chúng tôi đã xem các công ty của Nga khai thác dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam như thế nào, kiểm điểm hoạt động của các công ty liên doanh tại lãnh thổ của Liên bang Nga, đồng thời cân nhắc rằng 2 bên sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để công ty dầu khí của 2 nước hoạt động tại lãnh thổ của nhau”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng LB Nga Medvedev đánh giá cao quan hệ quốc phòng - an ninh giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự và đào tạo quân nhân, khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực này. Hai Thủ tướng hoan nghênh việc các địa phương hai nước đang hợp tác tích cực với nhau và đề nghị các cơ quan hữu quan hai bên cần triển khai nội dung về lập xí nghiệp liên doanh đầu tư vào lĩnh vực chế biến thủy hải sản và gỗ tại Primori thuộc khu vực Viễn Đông, Nga.
Hai bên cũng nhất trí cần tiếp tục mở rộng quan hệ song phương trong các lĩnh vực khác như khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, văn hóa, tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch của nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng của hai nước…, góp phần làm sâu sắc hơn nữa sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng LB Nga Medvedev cũng đã trao đổi và nhất trí cho rằng các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Hai bên đã trao đổi và nhất trí cho rằng, các tranh chấp biên giới lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian châu Á- Thái Bình Dương cần được các bên liên quan giải quyết trực tiếp chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp Quốc tế, bao gồm công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 nhằm duy trì hòa bình, ổn định và an ninh tại khu vực. Nga và Việt Nam ủng hộ việc triển khai đầy đủ và hiệu quả tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 DOC và sớm đạt được bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông COC.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục duy trì và mở rộng các dự án hợp tác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và tại thềm lục địa của Việt Nam. Đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải hàng không tại Biển Đông. Chúng tôi cam kết tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi an toàn cho các công ty dầu khí Nga hoạt động tại vùng biển Việt Nam”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Lãnh đạo và các cấp chính quyền Nga đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm ăn ổn định tại Nga; bày tỏ tin tưởng rằng, cộng đồng người Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy tích cực vai trò cầu nối phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Thủ tướng Medvedev trân trọng mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Liên bang Nga. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời. Thời gian chuyến thăm sẽ được thu xếp qua đường ngoại giao.
Sau hội đàm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Medvedev đã chứng kiến lễ ký kết một số văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, đầu tư, ngân hàng, y tế và giao thông vận tải giữa hai nước. Hai Thủ tướng tin tưởng kết quả tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Medvedev sẽ tạo xung lực mới thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga./.