Ngày 27/1, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) 2015, xếp hạng 168 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công. 

Năm nay, điểm số của Việt Nam tiếp tục là 31/100 điểm, đứng thứ 112/168 trên bảng xếp hạng toàn cầu. 

Theo đánh giá của Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT), Cơ quan đầu mối quốc gia của TI tại Việt Nam, trong năm qua, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống tham nhũng và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, đồng thời tập trung vào việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trước thực tế Việt Nam không có cải thiện về điểm số CPI trong 4 năm liên tiếp (từ năm 2012) và tiếp tục nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng trong khu vực công được cho là nghiêm trọng, Tổ chức Hướng tới minh bạch cho rằng các hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn chưa được giải quyết triệt để và hiệu quả. 

tham_nhung_nxar.jpg
Phiên tòa xét xử vụ án làm thất thoát gần 2.500 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Nam Hà Nội (Ảnh: Việt Đức)

Tổ chức Hướng tới minh bạch cũng khuyến nghị, để tạo ra những chuyển biến tích cực trong cảm nhận về tham nhũng ở Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp.

Trong đó việc sửa đổi luật Phòng, chống tham nhũng cần tập trung vào việc kê khai và công khai tài sản, thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; xác định một cơ quan chịu trách nhiệm chính và có đủ thẩm quyền, nguồn lực để quản lý, xác minh và theo dõi các bản kê khai; công khai rộng rãi các bản kê khai tới công chúng.

Bổ sung các quy định pháp luật cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền trong nước và quốc tế; chỉ định cơ quan đầu mối quản lý tài sản được thu giữ, tịch thu.

Quy định rõ khái niệm người đứng đầu, phạm vi trách nhiệm, hình thức xử lý cụ thể đối với người đứng đầu cơ quan nhà nước theo mức độ trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng.

Quy định các biện pháp cụ thể, thiết thực để bảo vệ thông tin về danh tính và an toàn cho người tố cáo; xem xét giao trách nhiệm và thẩm quyền cho một cơ quan chuyên trách về bảo vệ người tố cáo tham nhũng.

Bên cạnh đó, quy định các biện pháp cụ thể để huy động và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân ngoài nhà nước và người dân vào phòng, chống tham nhũng; xem xét việc thành lập hoặc chỉ định một cơ quan với đủ thẩm quyền, năng lực, nguồn lực và sự độc lập để có thể đảm nhiệm toàn bộ quá trình thanh tra, điều tra và truy tố các vụ án tham nhũng nghiêm trọng./.