Ngày 12/3, thực hiện thoả thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam-Lào; nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Lào Thongsinh Thammavong, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam sang tham dự Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 6, Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawadi-Chao Phrayya-Mekong lần thứ 5, chủ trì tổ chức Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 7 tại Lào và thăm làm việc tại một số tỉnh miền Bắc Lào.
Việc Việt Nam tham dự các hội nghị lần này thể hiện nỗ lực của chúng ta trong việc đẩy mạnh, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như: Thương mại và đầu tư, kết nối khu vực, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao vị thế của Việt Nam trong hợp tác khu vực Mekong và củng cố quan hệ với các nước trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hunsen và Thủ tướng CHDCND Lào Bouasone Bouphavanh ký Tuyên bố chung tại Hội nghị CLV lần thứ 6 tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia tháng 11/2010. Ảnh: Chinhphu.vn |
Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) được tổ chức thường kỳ 2 năm/lần. Năm nay, theo thứ tự, đến lượt Việt Nam đăng cai tổ chức, vì thế tuy diễn ra tại Lào song Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ là người chủ trì hội nghị lần này.
Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển lần thứ 7 (CLV7) năm nay diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam với Lào và Campuchia được củng cố và phát triển tốt đẹp trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị và hợp tác toàn diện.
Trong khuôn khổ hợp tác của Tam giác phát triển, 13 tỉnh của 3 quốc gia thuộc khu vực này đã xây dựng và triển khai Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tới năm 2020.
Các tỉnh trong khu vực cũng đã duy trì được mức tăng trưởng kinh tế cao so với tốc độ tăng trưởng bình quân của mỗi nước; cơ sở hạ tầng được từng bước nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia tăng các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại và giáo dục…
Trong bối cảnh đó, Hội nghị Cấp cao Tam giác phát triển lần thứ 7 (CLV7) sẽ rà soát các thoả thuận đã ký kết và đề xuất một số phương hướng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ba nước trong khu vực Tam giác phát triển.
Là quốc gia chủ trì Hội nghị cấp cao Tam giác phát triển lần thứ 7, Việt Nam cam kết tiếp tục thúc đẩy cơ chế hợp tác này thông qua việc triển khai Quy hoạch Tam giác phát triển CLV đến năm 2020; củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện với Lào, củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Campuchia.
Trong khuôn khổ chuyến công tác tới Lào lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng tham dự Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam lần thứ 6 (CLMV6) và Hội nghị cấp cao Chiến lược Hợp tác kinh tế Ayeyawadi-Chao Phraya-Mekong lần thứ 5 (AMECS 5).
Hợp tác khu vực Mekong đang ngày càng trở nên sôi động thông qua các hoạt động cụ thể như việc tổ chức các Hội chợ thương mại và triển lãm khu vực; thúc đẩy du lịch (thông qua việc áp dụng visa chung giữa Thái Lan và Campuchia hay tổ chức hội chợ du lịch quốc tế…); tạo thuận lợi và tăng cường thương mại giữa các nước bằng việc xây dựng hệ thống “dịch vụ một điểm dừng”, và “hải quan một cửa” tại các cửa khẩu quốc tế.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị CLVM 6 và AMECS 5 lần này sẽ là dịp các bên cùng đánh giá những kết quả hợp tác trong thời gian qua để trên cơ sở đó thảo luận các phương hướng hợp tác cụ thể trong thời gian tới.
Tới Lào tham dự các Hội nghị cấp cao của khu vực lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ đến thăm và làm việc tại một số tỉnh ở phía Bắc nước này nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào; làm sâu sắc hơn nữa sự tin cậy, gắn bó giữa Lãnh đạo và nhân dân hai nước; trao đổi các biện pháp thúc đẩy, tăng cường hợp tác, đầu tư Việt Nam-Lào và trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.
Với những hoạt động như vậy, chuyến công tác tới Lào lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là biểu hiện cụ thể cho sự đóng góp tích cực của Việt Nam trong việc củng cố quan hệ với các nước trong vùng nhằm duy trì và đảm bảo một khu vực hoà bình, ổn định và giàu mạnh./.