Tối 27/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban UNESCO Việt Nam đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng UNESCO lần thứ 36 và đã có một số hoạt động tiếp xúc quan trọng, trong đó có cuộc gặp với Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova. Phóng viên VOV thường trú tại Pháp đã phỏng vấn Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn về các hoạt động của đoàn Việt Nam cũng như các vấn đề chung mà Việt Nam đang cùng lãnh đạo các nước thành viên UNESCO thảo luận, tìm giải pháp.

thanh-son.jpg

Thứ trưởngNguyễn Thanh Sơn gặp Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova 

PV: Thưa Thứ trưởng, ông đã tham dự Diễn đàn các nhà lãnh đạo UNESCO với chủ đề «Làm thế nào để UNESCO nâng cao vai trò trong xây dựng hòa bình và phát triển bền vững?». Ông có thể cho biết bạn bè quốc tế có những ý kiến đáng chú ý nào về vai trò của UNESCO?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Có thể nói, bạn bè quốc tế nhấn mạnh vấn đề phát triển bền vững, trở thành tiêu chí hết sức quan trọng với mỗi quốc gia; không chỉ văn hóa mà cả kinh tế, chính trị, xã hội. Những nguy cơ của thay đổi môi trường khí hậu, những diễn biến các vùng khu vực, thiên tai dịch bệnh, chiến tranh… đều ảnh hưởng đến hoạt động UNESCO của mỗi quốc gia.

Các nước đến tham dự lần này đều nhắc đến 2 vấn đề quan trọng là biến đổi khí hậu và thứ hai là ổn định chính trị, phát triển bền vững. Nếu chúng ta giữ vững ổn định chính trị, phát triển bền vững thì mới có thể nói đến bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia.

PV: Qua tham dự Đại hội đồng, xin Thứ trưởng cho biết sự đánh giá của bạn bè quốc tế đối với vai trò của Việt Nam như thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Bạn bè quốc tế luôn ghi nhận vai trò, sự đóng góp của Việt Nam trong suốt quá trình UNESCO tồn tại và phát triển. Đặc biệt, hiện nay, UNESCO đang đứng trước bước ngoặt quan trọng là cải tổ cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động. Chúng ta đã có đóng góp qua các phát biểu tại Hội đồng chấp hành, tại  Đại hội đồng về lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản của các dân tộc.

Chúng tôi cho rằng văn hóa lâu đời, bản sắc rất độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam là dấu ấn quan trọng để bạn bè thấy được sự nổi trội, tích cực của chúng ta trong hoạt động UNESCO. Tôi hy vọng với những nhận định đánh giá của bà Tổng Giám đốc và các cơ quan chức năng UNESCO, tới đây, các địa phương những nơi đã có di sản sẽ cần có các bước củng cố hoạt động để bảo tồn các di sản đó; đồng thời các tỉnh, vùng, khu vực có những di sản cần giới thiệu với bạn bè thì cần phải nâng cao tính tổng hợp, tính bảo tồn, nâng cao các tiêu chí của chính chúng ta để đáp ứng được các yêu cầu của UNESCO để chúng ta có thêm nhiều di sản.

PV
:Trong khuôn khổ Đại hội đồng, Thứ trưởng đã có cuộc gặp Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova. Xin ông cho  biết một số nội dung trao đổi chính trong cuộc gặp?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Bà Bokova đã dành cho đoàn Việt Nam một sự ưu ái đặc biệt, vì bà giữ tình cảm sâu nặng với Việt Nam sau chuyến thăm nước ta năm 2010 đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, và nhân dịp chúng ta được UNESCO vinh danh Hoàng thành của chúng ta là di sản thế giới.

Tôi đề cập với bà Tổng Giám đốc quan điểm của Đảng và Chính phủ luôn ủng hộ các chương trình cải cách UNESCO mà bà chủ trương tiến hành. Tôi cũng đề cập đến việc tăng sử dụng chuyên gia Việt Nam trong các tổ chức UNESCO, vì chúng ta có nhiều chuyên gia cán bộ có năng lực có thể đáp ứng những yêu cầu làm việc của UNESCO. Hợp tác UNESCO trong thời gian qua và tới đây sẽ tiếp tục phát triển. Chúng tôi đánh giá cao hợp tác giữa Văn phòng UNESCO tại Hà Nội với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và ý kiến của các chuyên gia UNESCO trong việc chuẩn bị hồ sơ công nhận di sản tới đây.

Tất cả những tình cảm của chúng ta đã được bà Tổng Giám đốc đón nhận. Bà xúc động cho biết, trong trái tim bà vẫn khắc sâu hình ảnh chuyến thăm Việt Nam, đặc biệt tình cảm của nhân dân Việt Nam. Bà cam kết rằng, trong thời gian tới đây, dù UNESCO không phải cơ quan tài chính để có tiền giúp chúng ta phát triển và bảo tồn di sản, nhưng có thể giúp Việt Nam vận động các quốc gia tài trợ. 

PV: Trong thời gian tới, chúng ta có những hồ sơ đáng chú ý nào trình UNESCO công nhận di sản, thưa ông?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Trước mắt, Việt Nam có hồ sơ hát xoan của Phú Thọ và hy vọng hồ sơ này sẽ được công nhận bởi chúng ta chuẩn bị rất kỹ, được bạn bè đánh giá cao. Trong năm 2012, Việt Nam đang còn một loạt hồ sơ chờ sự đánh giá của các tổ chức trong UNESCO: Hồ sơ tín ngưỡng Vua Hùng, Đờn ca Tài tử Nam Bộ.

Tôi hy vọng với sự hỗ trợ của UNESCO, sự hợp tác giữa Việt Nam với Văn phòng UNESCO tại Hà Nội và đặc biệt với cá nhân bà Tổng Giám đốc, quan hệ Việt Nam UNESCO sẽ có những bước phát triển mới. Chúng ta có quyền hy vọng vào những thành công của mình trong thời gian tới đây với những ghi nhận của bạn bè quốc tế, trong đó sự vinh danh của UNESCO là rất quan trọng. 

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng./.