Tây Ban Nha là quốc gia đầu tiên ở châu Âu mà Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, và quan hệ giữa Việt Nam và Tây Ban Nha trong thời gian tới sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh mẽ, đặc biệt hai nước đều thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, coi trọng và ưu tiên thúc đẩy quan hệ song phương.

le_dung_vov_hgiw.jpg
Ông Lê Dũng
Đó là khẳng định của ông Lê Dũng - Vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Ngoại giao) trong cuộc phỏng vấn của phóng viên VOV tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) nhân chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đến Tây Ban Nha từ ngày 23-25/5, vào dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Tây Ban Nha (23/5/1977-23/5/2017).

PV: Xin ông cho biết ý nghĩa chuyến thăm Tây Ban Nha lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh?

Ông Lê Dũng: "Tây Ban Nha là đối tác châu Âu quan trọng của Việt Nam, hai nước đã thiết lập khuôn khổ Đối tác chiến lược năm 2009.

Chuyến thăm Tây Ban Nha lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nằm trong khuôn khổ chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược. Quan hệ hợp tác giữa hai bên đang có những bước phát triển hết sức tích cực trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, ngoại giao đến thương mại, văn hóa giáo dục, quốc phòng…

Tây Ban Nha hiện là bạn hàng lớn thứ 6 của Việt Nam tại châu Âu, với kim ngạch thương mại tăng nhanh, đạt gần 3 tỷ euro năm 2016. Gần 60.000 khách du lịch Tây Ban Nha đã đến Việt Nam năm 2016, tăng gấp đôi so với năm 2010.

Chính vì lý do đó, chuyến đi thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đúng vào dịp 40 năm quan hệ hai nước làm tăng thêm ý nghĩa, là dấu mốc quan trọng thúc đẩy quan hệ hai bên trong những năm tới. Chính vì ý nghĩa đó, chuyến thăm đạt được kết quả rất quan trọng.

Thứ nhất, đó là tăng cường sự tin cậy chính trị. Kể cả Nhà vua và các lãnh đạo Tây Ban Nha cũng nhấn mạnh coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam.

Thứ hai, về kinh tế, hai bên ký được hai văn kiện quan trọng là Chương trình tài chính 5, mở đường cho các dự án hợp tác tới năm 2020 và Thỏa thuận về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, chuẩn bị cho sự ra đời của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư Việt Nam Tây Ban Nha đã củng cố thêm khuôn khổ pháp lý cho quan hệ hai nước trong các lĩnh vực ưu tiên là hạ tầng, năng lượng tái tạo, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao…

Thứ ba, về hợp tác trên diễn đàn đa phương, cả hai bên đều khẳng định đưa hợp tác hai bên tại các diễn đàn kinh tế, đa phương, nhất là ở LHQ, tại ASEM… lên một tầm cao mới, đặc biệt hai bên ủng hộ lẫn nhau, phối hợp lập trường của nhau trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Tây Ban Nha

PV: Ông đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian tới?

Ông Lê Dũng: Tôi nghĩ có mấy lý do, thứ nhất là quyết tâm chính trị hai bên rất cao, kể cả Nhà vua và lãnh đạo Tây Ban Nha cũng như cam kết của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng đối với việc thúc đẩy quan hệ hai bên đều rất lớn.

Thứ hai, hai bên ký được nhiều văn kiện quan trọng làm khuôn khổ pháp lý cho quan hệ hai nước trong thời gian tới.

Thứ ba, hiệp định EVFTA sẽ được ký kết và phê chuẩn thực thi vào cuối năm nay và đầu sang năm. Đó là những điều kiện để quan hệ hai nước phát triển mạnh trong thời gian tới. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại lên 5 tỷ USD vào 2020. Đây là mục tiêu cao, nhưng phía  Tây Ban Nha khẳng định với quyết tâm chính trị của hai bên, với môi trường đầu tư thuận lợi, cam kết của hai bên, cùng EVFTA, hai bên tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu này. 

Về quan hệ đầu tư, với Hiệp định tài chính 5, các nhà đầu tư của Tây Ban Nha sẽ vào Việt Nam mạnh mẽ hơn, chúng ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Tây Ban Nha vào làm ăn ở Việt Nam. Trong đó có dự án tuyến đường sắt ngầm metro 5 tại TP HCM, đây là dự án hải đăng, nếu dự án này thành công, sẽ là cú hích lớn để các nhà đầu tư Tây Ban Nha vào Việt Nam.

Qua Diễn đàn doanh nghiệp lần này, chúng ta thấy nhiều nhà đầu tư của Tây Ban Nha quan tâm đến thị trường Việt Nam trong những lĩnh vực bạn có thế mạnh, như: môi trường, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và đặc biệt về du lịch – điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian tới. Bạn cam kết chia sẻ kinh nghiệm cho chúng ta trong quản lý phát triển về du lịch, trong đó bạn sẵn sàng tham gia tư vấn cho Việt Nam để xây dựng quy hoạch phát triển du lịch từ nay đến 2030.

Đây là những dấu hiệu tích cực, và tôi tin với quyết tâm chính trị của hai nước, với điều kiện EVFTA sắp đi vào thực hiện, quan hệ kinh tế thương mại hai nước sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng lợi ích của cả hai bên, góp phần vào thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Tây Ban Nha.

PV:Xin trân trọng cảm ơn ông./.