Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Indonesia Joko Widodo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Phi tại thủ đô Jakarta và Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung, 10 năm Quan hệ đối tác chiến lược mới Á-Phi từ ngày 22-24/4/2015.
Đây là hoạt động thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, đồng thời Việt Nam mong muốn cùng các nước Á-Phi bảo vệ các nguyên tắc Bandung và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước Á-Phi và quan hệ đối tác chiến lược với nước chủ nhà Indonesia.
Hội nghị cấp cao Á-Phi (ACC) được tổ chức lần đầu tiên ở Bandung, Indonesia, từ ngày 18-24/4/1955, với sự tham gia của lãnh đạo 29 nước Á-Phi, khởi đầu cho quá trình hợp tác mới và được xem như một biểu tượng về sự hồi sinh của các quốc gia Châu Á và Châu Phi.
Hội nghị lần đầu tiên đưa ra 10 nguyên tắc Bandung làm nền tảng cho quan hệ giữa các nước ở hai châu lục như tôn trọng chủ quyền, không can thiệp, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế… Sự kiện này đã tạo động lực đưa đến những biến đổi to lớn trên bản đồ chính trị thế giới với sự ra đời của một loạt các quốc gia độc lập ở châu Á và châu Phi, tạo tiền đề cho sự ra đời Phong trào Không liên kết và hợp tác Nam-Nam trong những thập kỷ qua.
Là một trong 29 nước tham dự Hội nghị Bandung năm 1955, tiền thân của Phong trào Không liên kết, trong 60 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên tích cực... Đặc biệt, năm 2005, Chủ tịch nước Trần Đức Lương dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Á - Phi 2005 và Lễ kỷ niệm 50 năm Hội nghị Bangdung 1955. Đoàn Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc xây dựng khuôn khổ hợp tác mới Á - Phi, đưa ra được nhiều khuyến nghị hợp tác cụ thể như mô hình hợp tác ba bên, diễn đàn Việt Nam - châu Phi, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm hợp tác và phát triển với các nước Á-Phi.
Hiện Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 52 trong số 55 nước Châu Phi, nhiều đoàn nguyên thủ châu Phi đã thăm Việt Nam như Mozambique, Benin, Namibia, Ruwanda, Tanzania…Việt Nam cũng là nước ASEAN duy nhất có cơ chế Hội thảo quốc tế Việt Nam - Châu Phi, đến nay đã tổ chức hội thảo hai lần, được các nước châu Phi đánh giá hợp tác Việt Nam - Châu Phi là điển hình của hợp tác Nam - Nam.
Không chỉ về chính trị, quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - châu Phi cũng phát triển khá tích cực. Việt Nam có quan hệ thương mại với cả 55 nước châu Phi, nâng kim ngạch thương mại từ dưới 500 triệu USD (2005) lên khoảng 4,3 tỷ USD (2013). Hàng loạt các dự án được triển khai đầu tư tại các nước Châu Phi như Algeria, Morocco, Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania, Angola….với tổng số vốn trên 2 tỷ USD. Việt Nam cũng đã cử hàng nghìn lượt chuyên gia nông nghiệp, y tế, giáo dục sang làm việc tại các nước châu Phi theo các thỏa thuận song phương và đa phương. Với những thành tựu đáng kể trong công cuộc đổi mới của mình, Việt Nam đang có nhiều thuận lợi để đóng góp tích cực hơn vào sự nghiệp phát triển chung của các nước đang phát triển.
Nhìn lại 60 năm hợp tác giữa Việt Nam-Châu Phi nói riêng và 2 Châu lục Á-Phi nói chung, bên cạnh những thuận lợi thì cũng đặt ra những thách thức trong giai đoạn mới đó là tình hình thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Xu hướng chính trị cường quyền và tính bất ổn trong tình hình thế giới, khu vực có dấu hiệu gia tăng, cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt. Khu vực Trung Đông và châu Phi tiếp tục là điểm nóng với nhiều xung đột lan rộng, các hoạt động khủng bố cực đoan diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới.
Tại Đông Âu, vấn đề Ukraine làm tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây. Tại châu Á, hòa bình và hợp tác là xu thế chủ đạo nhưng nhiều thách thức vẫn tiềm ẩn. Do vậy, nhu cầu hợp tác đa phương giữa các quốc gia, giữa các khu vực nhằm ứng phó với những thách thức toàn cầu mới ngày càng tăng. Các nước Á - Phi đang ưu tiên vào phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu, đồng thời tăng cường liên kết khu vực và liên khu vực, tuy nhiên, hợp tác Á - Phi chưa phát huy hết tiềm năng và đem lại được nhiều lợi ích về kinh tế, xã hội cho các nước ở hai châu lục. Hiện nay đang có một số cơ chế hợp tác Á - Phi như Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD), diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi, Hợp tác Ấn Độ - châu Phi, Diễn đàn Việt Nam - châu Phi…nhưng chưa có các cơ chế liên châu lục giống như ASEM, APEC…
Chính vì thế chủ đề Hội nghị Cấp cao Á - Phi 2015 là “Tăng cường hợp tác Nam - Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng thế giới”, một lần nữa khẳng định ưu tiên giữ gìn hòa bình, phát triển kinh tế và đề cao các nguyên tắc Bandung để thúc đẩy hợp tác, kết nối Á-Phi nhằm phát huy tiềm năng và đem lại lợi ích thiết thực cho cả 2 khu vực.
Cùng với 109 đại diện các nước Châu Á, Châu Phi và khách mời ở các châu lục khác, các tổ chức quốc tế, Đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu tham gia Hội nghị Cấp cao Á - Phi 2015 và kỷ niệm 60 năm Hội nghị Bandung, 10 năm quan hệ đối tác chiến lược mới Á-Phi tại Indonesia chính là sự khẳng định Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế, luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm tại Hội nghị.
Việt Nam cũng mong muốn cùng các nước Á-Phi bảo vệ các nguyên tắc Bandung và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước Á-Phi, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược với nước chủ nhà Indonesia vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển thịnh vượng./.
10 nguyên tắc Bandung
1. Tôn trọng các quyền con người cơ bản và tôn chỉ mục đích của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
2. Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia.
3. Công nhận sự bình đẳng của tất cả các dân tộc và sự bình đẳng của tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ.
4. Không can thiệp hoặc dính líu vào công việc nội bộ của quốc gia khác.
5. Tôn trọng quyền tự vệ đơn lẻ hoặc tập thể của từng quốc gia, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.
6. (a) Không sử dụng các tổ chức khu vực phòng thủ tập thể để phục vụ cho lợi ích riêng của bất kỳ siêu cường nào.
(b) Không quốc gia nào được gây sức ép lên các quốc gia khác.
7. Không có hành động xâm lược hoặc đe doạ xâm lược hoặc sử dụng vũ lực đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia nào.
8. Giải quyết tất cả các cuộc xung đột quốc tế bằng các biện pháp hoà bình, như đàm phán, hoà giải, phân xử hoặc giải quyết bằng pháp luật cũng như các biện pháp hoà bình khác do các bên lựa chọn, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc.
9. Thúc đẩy lợi ích của nhau và hợp tác giữa các bên.
10. Tôn trọng công lý và nghĩa vụ quốc tế./.