Hội nghị lần thứ 31 của tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) khu vực châu Á-Thái Bình Dương chính thức khai mạc sáng 15/3 tại Hà Nội, với sự tham dự của Tổng Giám đốc FAO và người đứng đầu ngành nông nghiệp các quốc gia khu vực châu Á –Thái Bình Dương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Một trong 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ là phấn đấu giảm một nửa số người nghèo đói vào năm 2015. Đây là một thách thức rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao của các tổ chức quốc tế và các quốc gia.

Hội nghị lần thứ 31 của FAO châu Á-Thái Bình Dương thu hút sự tham dự của người đứng đầu ngành nông nghiệp của 44 quốc gia thành viên của FAO, đại diện của LHQ, các nhà tài trợ và nhiều tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ quốc tế, xã hội dân sự và khu vực kinh doanh.

Sự kiện quan trọng này được FAO tổ chức 2 năm một lần, nhằm xem xét và đưa ra các khuyến nghị đối với các vấn đề then chốt về thực phẩm và nông nghiệp ảnh hưởng đến khu vực châu Á –Thái Bình Dương. Với chủ đề an ninh lương thực và giảm đói nghèo ở nông thôn, Hội nghị lần này tập trung thảo luận sâu về các vấn đề trọng tâm liên quan đến xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, an ninh lương thực, chính sách khu vực và toàn cầu trong nỗ lực giảm đói nghèo trên thế giới.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Trên thế giới hiện vẫn còn gần 1 tỷ người thiếu đói, trong đó 60% thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Dân số thế giới đã vượt 7 tỷ người và tiếp tục gia tăng, trong khi đó đất nông nghiệp suy giảm cả về diện tích và độ phì nhiêu; nguồn nước cho nông nghiệp ngày càng khan hiếm hơn; tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ngày càng gay gắt… Do vậy, việc phấn đấu giảm một nửa số người nghèo đói vào năm 2015- một trong 8 mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của LHQ còn là một thách thức rất lớn và đòi hỏi phải có sự nỗ lực rất cao của các tổ chức quốc tế và các quốc gia.  

Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao Hội nghị lần thứ 31 của FAO khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã lựa chọn chủ đề an ninh lương thực và giảm đói nghèo ở nông thôn, tập trung thảo luận nhiều vấn đề rất thiết thực đang đặt ra nhằm bảo đảm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trong khu vực và đóng góp vào nỗ lực giảm  đói nghèo trên thế giới.

Thủ tướng nhấn mạnh: Là một nước có diện tích đất nông nghiệp hạn chế, chỉ có khoảng 10 triệu ha, trong khi dân số 87 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới, Việt Nam đã vươn lên từ một nước thiếu lương thực trở thành một nước không những có đủ lương thực cho tiêu dùng trong nước, với mức tăng dân số mỗi năm khoảng một triệu người, bảo đảm được an ninh lương thực quốc gia, mà còn là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới.

Trong 23 năm qua, Việt Nam đã đóng góp vào thị trường gạo thế giới trên 80 triệu tấn và hiện nay còn xuất khẩu nhiều nông, lâm, thủy sản với khối lượng lớn, xếp vị trí cao trên thế giới. Việt Nam còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm của mình cho nhiều nước về phát triển nông nghiệp.

Thủ tướng khẳng định: Việt Nam đang tích cực cơ cấu lại nền nông nghiệp, tập trung khai thác tốt nhất các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, giảm tổn thất trong sản xuất và sau thu hoạch; đổi mới chính sách đất đai để khuyến khích mạnh mẽ nông dân đầu tư và tổ chức lại sản xuất gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường bảo vệ môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và về giảm nghèo bền vững; tăng cường đầu tư của nhà nước và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm năng lượng, nước, phân bón hóa chất, bảo vệ môi trường, thích ứng với tác động ngày càng cực đoan của biến đổi khí khậu.

Cùng với việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế để tạo môi trường thuận lợi và thu hút thêm nhiều nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển.

Theo dự báo, Việt Nam là một trong số ít các nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, Thủ tướng cho rằng, sự hỗ trợ Việt Nam ứng phó với với biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp, sản xuất lương thực hiệu quả, bền vững cũng chính là góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới, vì hiện nay xuất khẩu gạo của Việt Nam chiếm 1/5 lượng gạo xuất khẩu toàn cầu và nhiều nông sản khác với khối lượng lớn.

Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam - Nam do FAO hỗ trợ và điều phối.

Cũng trong sáng 15/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp ông José Graziano da Silva, Tổng giám đốc FAO và gặp trưởng đoàn các quốc gia, các tổ chức quốc tế đến tham dự Hội nghị lần này.

Thủ tướng đánh giá cao sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của FAO dành cho Việt Nam trong thời gian qua, nhất là hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn chính sách và triển khai hơn 400 dự án do FAO tài trợ… Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của FAO, của các tổ chức quốc tế, các quốc gia và các bạn trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Việt Nam cũng như trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm an ninh lương thực, xoá đói giảm nghèo nói riêng.

Tổng Giám đốc FAO José Graziano da Silva đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong tổ chức Hội nghị, cũng như sự tham gia tích cực trong các hoạt động của FAO. Ông bày tỏ ấn tượng sâu sắc về sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam và coi Việt Nam là điển hình thành công trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tổng Giám đốc FAO mong muốn Việt Nam tiếp tục hợp tác và tham gia tích cực các hoạt động của FAO, nhất là chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo…

Phát biểu trong cuộc gặp trưởng đoàn các quốc gia, các tổ chức quốc tế đến tham dự Hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực với FAO và các quốc gia, tổ chức quốc tế. Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ, liên quan đến đảm bảo an ninh lương thực và giảm đói nghèo…

Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu và kết quả đạt được của Chương trình Hợp tác Nam-Nam của FAO và mong muốn Chương trình này tiếp tục được đẩy mạnh và thu hút được sự tham gia của nhiều quốc gia hơn trong thời gian tới./.