Nhận lời mời của Chính quyền Tổng thống Barack Obama, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Hoa Kỳ từ ngày 6 - 10/7/2015.
Nhân chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta cùng điểm lại một số nét chính trong mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Chiều tối 6/7 (theo giờ Việt Nam), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới sân bay Andrews, Washington DC, bắt đầu chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ |
Quan hệ chính trị, ngoại giao ngày càng đi vào thực chất
Kể từ sau chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7/2013) với việc xác lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác toàn diện”, quan hệ hai nước đạt những tiến triển mới, thực chất trên nhiều lĩnh vực, cả về song và đa phương; sự quan tâm và hiểu biết lẫn nhau gia tăng.
Về phía Hoa Kỳ đã cử nhiều đoàn thăm Việt Nam như: Đoàn Cựu Tổng thống Bill Clinton (7/2014); Đoàn Lãnh tụ phe thiểu số tại Hạ viện Nancy Pelosi (3/2015); Đoàn Thượng nghị sĩ John.McCain (5/2015), Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken (5/2015), Bộ trưởng Quốc phòng Carter (6/2015).
Về phía Việt Nam thăm Hoa Kỳ có đoàn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7/2013); Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (7/2014); Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (9/2014); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (10/2014); Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang (3/2015), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (4/2015).
Hiện Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin, duy trì các cơ chế đối thoại quan trọng như Đối thoại Nhân quyền, Đối thoại chính trị - an ninh - quốc phòng, Đối thoại Châu Á - Thái Bình Dương... cũng như trao đổi điện đàm về các vấn đề song phương và khu vực. Hai bên cũng từng bước thiết lập quan hệ Đảng giữa hai nước, trong đó có việc đẩy mạnh các cuộc trao đổi, tiếp xúc giữa các cơ quan Đảng.
Hợp tác an ninh - quốc phòng tiếp tục có những bước phát triển mới
Hoa Kỳ chú trọng thúc đẩy quan hệ an ninh - quốc phòng với Việt Nam, xem đây là lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt sau khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (7/2013).
Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (6/2015), hai Bộ Quốc phòng đã ký kết Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt - Hoa Kỳ.
Trong thời gian qua, phía Hoa Kỳ tiếp tục cử nhiều đoàn quan trọng thăm Việt Nam, nổi bật có Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Martin Dempsey (8/2014), Bộ trưởng Hải quân Ray Mabus và tàu chiến Hoa Kỳ (4/2015), Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter (29/5 - 1/6/2015)…
Hiện hai bên đã ký Thư triển khai gói hỗ trợ 18 triệu USD (tháng 8/2014) dành cho cảnh sát biển, Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hoa Kỳ (tháng 6/2015) trên cơ sở MOU về hợp tác quốc phòng song phương (9/2011).
Tháng 10/2014, Hoa Kỳ tuyên bố dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Hai bên duy trì đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 4 tại Washington DC (10/2013); Đối thoại Chính trị - An ninh - Quốc phòng lần thứ 7 tại Hà Nội (1/2015).
Về an ninh, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã thăm chính thức Hoa Kỳ (3/2015). Ngày 21/5/2014, Việt Nam cũng đã tuyên bố tham gia Sáng kiến An ninh chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI). Hai bên đang trao đổi để ký kết một số thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.
Tăng cường hợp tác về các vấn đề khu vực và đa phương
Việt Nam và Hoa Kỳ đang có sự hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực như APEC, ARF, ADMM+, LMI, EAS; phối hợp về chương trình nghị sự, nhất là trong các cuộc thảo luận liên quan đến an ninh hàng hải, củng cố đoàn kết ASEAN, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cấp quan hệ Hoa Kỳ - ASEAN...
Trước tình hình căng thẳng ở Biển Đông do Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (5/2014), phía Hoa Kỳ ở nhiều cấp của Chính quyền và Quốc hội đã nêu quan ngại về tình hình biển Đông, phê phán hành động khiêu khích của Trung Quốc, đề nghị các bên giải quyết hòa bình tranh chấp, không sử dụng vũ lực và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) năm 2002
Quốc hội Hoa Kỳ cũng đã thông qua hai Nghị quyết về Biển Đông và Biển Hoa Đông. Hoa Kỳ cũng đưa ra một số biện pháp làm dịu tình hình (sáng kiến “đông kết” - giữ nguyên trạng ở Biển Đông); tăng cường hợp tác với 4 nước ASEAN có “tuyên bố chủ quyền” ở Trường Sa là Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei.
Về vấn đề dân chủ, nhân quyền, mặc dù đây là vấn đề hai bên còn khác biệt, tuy nhiên, hai bên vẫn tiếp tục duy trì đối thoại hàng năm về nhân quyền, gần đây nhất vòng 19 diễn ra ở Hà Nội tháng 5/2015. Phía Hoa Kỳ đã ghi nhận những tiến bộ nhất định của Việt Nam trong vấn đề này./.