Theo nhận xét của các chuyên gia Liên Hợp Quốc, trong 15 năm qua, về cơ bản  thế giới đã thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự chênh lệnh đáng kể giữa các nước trên thế giới và giữa các vùng miền tại mỗi quốc gia. 

lhq1_copy_lffl.jpg
Họp báo Liên Hợp Quốc về mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ tại Hà Nội.

Là một thành viên Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã đạt và vượt trước thời hạn 5 trong số 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ đạt được những kết quả khiêm tốn ở 3 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ còn lại bao gồm: Ngăn chặn và đẩy lui dịch HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác; Đảm bảo bền vững môi trường và Xây dựng quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển.

Theo ông Nguyễn Tiên Phong, Trợ lý giám đốc Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP), sở dĩ Việt Nam chưa thực hiện tốt các mục tiêu trên, trong đó có mục tiêu Ngăn chặn và đẩy lui dịch HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác xuất phát từ một số nguyên nhân khách quan và chủ quan.

"Sở dĩ như vậy là do chỉ tiêu của đẩy lui HIV là phải giảm được tốc độ lây nhiễm, Tuy nhiên, tốc độ truyền nhiễm HIV đang chuyển dịch dần lên các khu vực miền núi. Thứ 2 để đối phó với dịch HIV cần đến nhiều nguồn lực và Việt Nam hiện nay dựa vào nguồn lực lớn từ nước ngoài. Tuy nhiên, khi đã được xếp vào các quốc gia thu nhập trung bình thì nguồn lực nước ngoài sẽ giảm, Việt Nam sẽ cần đến những nguồn hỗ trợ khác. Thứ 3 là sự phân biệt đối xử với người nhiễm HIV tại Việt Nam vẫn còn rất cao”, ông Phong nhận định. 

Theo các chuyên gia Liên Hợp Quốc, trong thời gian tới Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ còn lại, tăng cường các chính sách mạnh mẽ cũng như đưa ra các định hướng phù hơn nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Bà Phan Thu Hiền, Trưởng nhóm tình nguyện viện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khuyến nghị: “Tôi nghĩ rằng không có một giải pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề mà cần một giải pháp đồng bộ và sự tham gia của nhiều ban ngành khác nhau. Còn những hỗ trợ từ bên ngoài và Liên Hợp Quốc, chỉ mang tính chất hỗ trợ kỹ thuật và đưa ra những bài học tốt trên thế giới để áp dụng tại Việt Nam, còn chính phủ Việt Nam chính là chủ thể thực hiện các mục tiêu này”./.