Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Chỉ thị 19 về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong khi nhiều ngành, nhiều lĩnh vực được nới lỏng thì Chính phủ tiếp tục yêu cầu dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng. Với khoảng 26 triệu đồng bào có đạo, các nghi lễ tôn giáo trải dài khắp mọi miền đất nước và sắp tới có Lễ Phật đản, tuy nhiên, để hạn chế tối đa việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, Chính phủ đề nghị các tôn giáo hợp tác, tiếp tục dừng các nghi lễ trong thời điểm hiện nay.
Bài học đắt giá từ Hàn Quốc
Thực tế diễn biến dịch bệnh trên thế giới vừa qua cho thấy, các sinh hoạt tôn giáo tập trung hàng trăm, hàng nghìn người tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là một hiểm họa khôn lường nếu có tín đồ nhiễm bệnh. Trường hợp bệnh nhân số 31 của giáo phái Tân Thiên Địa ở Hàn Quốc bị nhiễm bệnh nhưng vẫn tham gia các buổi lễ tôn giáo đã làm lây nhiễm cho hầu hết tín đồ của giáo phái này và cộng đồng xã hội. Gần 60% số ca nhiễm của Hàn Quốc có liên quan đến bệnh nhân là tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa. Đây là bài học đắt giá cho việc tu tập đông người tại các cơ sở tôn giáo khi dịch bệnh.
Tại Italy, hơn 60 linh mục đã chết trong đại dịch, rất nhiều chức sắc, tu sĩ, tín đồ các tôn giáo ở các nước đã chết và đang nhiễm virus Sars CoV-2. Đó là mất mát không chỉ của xã hội, mà các tôn giáo mất đi những nhà hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp, những tín đồ đã làm nên sự lớn mạnh của các tôn giáo. Nhưng cũng là lời nhắc nhở tới các tổ chức và cá nhân tôn giáo là dịch bệnh không phân biệt một thành phần, tôn giáo nào trong xã hội. Chỉ niềm tin tôn giáo là không đủ để phòng chống sự lây lan của bệnh dịch, mà mọi người cần chung tay hành động thì xã hội mới thắng được đại dịch, các tổ chức tôn giáo mới giữ được chức sắc và tín đồ, đời sống tôn giáo mới thực sự hồi sinh.
Nghiêm chỉnh chấp hành yêu cầu phòng dịch, vi phạm chỉ là cá biệt
Việt Nam hiện có 43 tổ chức tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động (thuộc 16 tôn giáo) với số tín đồ hơn 26,3 triệu người, chiếm 27% dân số, chưa kể các nhóm, phái và các hiện tượng tôn giáo mới chưa được cấp đăng ký hoạt động. Khi chưa có dịch bệnh Covid-19, tại các cơ sở thờ tự, tín đồ được tự do bày tỏ đức tin, được chức sắc, chức việc, nhà tu hành hướng dẫn thực hiện các nghi lễ tôn giáo.
Tuy nhiên, kể từ khi có dịch, cùng với các tầng lớp nhân dân trong cả nước, các tín đồ tôn giáo đã nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp phòng bệnh của Chính phủ cũng như cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo (Ban Tôn giáo Chính phủ).
Các tổ chức tôn giáo cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ thực hiện việc phòng chống dịch theo các cấp độ khác nhau. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành đã thực hiện việc đóng cửa cơ sở tôn giáo, tổ chức các lễ trực tuyến và hướng dẫn tín đồ thực hiện trên các trang truyền thông chính thống của giáo hội và các ứng dụng công nghệ thông tin; Tuyên truyền cho tín đồ về tính chất phức tạp của dịch bệnh, khuyên bảo tín đồ thực hiện đúng yêu cầu của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng.
Cụ thể, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hủy chương trình đón đoàn Phật giáo Nepan, Trung Quốc. Đối với Lễ Phật đản của Phật giáo, Tết Chol Chnam Thmay trong đồng bào Khmer, Giáo hội đề nghị phật tử chỉ thực hiện ở phạm vi gia đình.
Thời điểm xảy ra dịch bệnh đúng vào Mùa Phục sinh của Công giáo và Tin lành với nhiều nghi lễ quan trọng cần thực hiện, do vậy giám mục các giáo phận đã có văn thư hướng dẫn tín đồ cử hành phục vụ trong Tuần thánh, để mọi tín đồ được thực hiện các lễ nghi theo nghi thức của giáo hội.Các tổ chức tôn giáo khác như: Hồi giáo, tôn giáo Baha’i Việt Nam; Tịnh độ Cư sỹ Phật hội Việt Nam; Phật giáo Hòa Hảo; Minh Sư đạo, Minh Lý đạo… hoãn các cuộc thi giáo lý, các đại hội nhiệm kỳ, hội nghị, hội thảo tôn giáo.
Nhìn chung, việc chấp hành yêu cầu giãn cách xã hội, không tập trung đông người tại cơ sở thờ tự được tiến hành nghiêm túc, thể hiện niềm tin và sự ủng hộ của các tín đồ tôn giáo đối với các biện pháp phòng dịch của Chính phủ. Tuy nhiên, trong thời điểm chống dịch, còn một số tổ chức tôn giáo trực thuộc vẫn tiến hành sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở thờ tự chưa đảm bảo theo hướng dẫn của ngành y tế.
Một số lễ tang, lễ cầu siêu, lễ cầu nguyện, sinh hoạt đạo tràng,... của các tổ chức tôn giáo trực thuộc còn vi phạm Chỉ thị của Chính phủ, quy định của ngành y tế.
Liên quan đến việc một số vị linh mục Công giáo tổ chức hành lễ với sự tham gia của hàng trăm giáo dân làm tăng nguy cơ mắc dịch Covid-19, các lực lượng chức năng của tỉnh Hà Tĩnh đã lập hồ sơ đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện Đức Thọ, Hương Khê, Can Lộc, Thạch Hà xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Đến nay, 7 vị linh mục đã bị phạt hành chính và một vị linh mục được nhắc nhở vì vi phạm các quy định phòng, chống dịch Covid-19. Tất cả 8 ban hành giáo từng vi phạm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 cũng đã nghiêm túc nhận rõ thiếu sót, công khai xin lỗi chính quyền và cam kết không tái phạm.
Tôn giáo chung tay gánh vác cùng Chính phủ chống dịch
Không chỉ kêu gọi tín đồ nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp phòng dịch của Chính phủ, nhiều chức sắc, chức việc tôn giáo còn làm gương trong công tác phòng chống dịch và kêu gọi tín đồ thể hiện trách nhiệm xã hội, ủng hộ vật chất trong công cuộc phòng chống dịch.
Theo thống kê sơ bộ, các tổ chức, cá nhân trong các tôn giáo đã ủng hộ hơn 18 tỉ 300 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều nhu yếu phẩm, vật tư y tế có giá trị trong đó có: 06 phòng áp lực âm điều trị Covid-19; gần 500.000 khẩu trang; hàng chục tấn gạo; hàng ngàn thùng mỳ và hàng chục ngàn xuất ăn miễn phí,... Đây là những đóng góp rất đáng trân quý góp phần hỗ trợ công tác chống dịch của đất nước.
Việc các nhà tu hành góp công, góp của chống dịch đã để lại những hình ảnh đẹp, đáng trân trọng như: Thượng tọa Thích Thanh Cường, trụ trì chùa Cương Xá (Hải Dương) đã quyên góp, ủng hộ trên 200 triệu đồng và khẩu trang, dung dịch, giấy sát khuẩn, 200 chiếc mũ chống giọt bắn trao tặng Tỉnh đoàn Hải Dương để trang bị cho các tình nguyện viên tham gia nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát dịch. Đối với công giáo, Tòa Giám mục giáo phận Xuân Lộc ủng hộ 500 triệu đồng cho Ủy ban Trung ương MTTQVN và 500 triệu cho MTTQ tỉnh Đồng Nai; Giám mục Nguyễn Chu Trinh (Đồng Nai) ủng hộ 200 triệu cho Ủy ban Trung ương MTTQVN và 200 triệu cho MTTQ tỉnh; Linh mục Dương Hữu Tình cùng Ban hành giáo xứ Hải Dương ủng hộ 50 triệu đồng cho MTTQ tỉnh và đây cũng là giáo xứ đầu tiên áp dụng mô hình “ATM Gạo” miễn phí tại nhà thờ... Hội thánh Tin lành Việt Nam miền Bắc ủng hộ Ủy ban Trung ương MTTQVN 315 triệu đồng; Hội Thánh Mennotine Việt Nam ủng hộ 20 nghìn khẩu trang; Hội thánh Tin lành Liên hữu Cơ đốc ủng hộ 7 nghìn khẩu trang,…
Những hành động thiết thực trên thể hiện sự nghiêm túc trong việc chấp hành pháp luật, thể hiện trách nhiệm với đất nước, trách nhiệm xã hội và sâu xa hơn là thực hiện đúng đường hướng hành đạo: tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc. Niềm tin tôn giáo, việc thực hành các nghi lễ chỉ có được khi điều kiện sống được đảm bảo. Tại thời điểm chống dịch quan trọng này, việc dừng các nghi lễ tôn giáo cũng là đòi hỏi bắt buộc để đảm bảo dịch bệnh không lây lan trong tín đồ tôn giáo nói riêng và trong xã hội nói chung. Còn chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là tạo mọi điều kiện để các tín đồ được tự do bày tỏ đức tin, theo hoặc không theo một tôn giáo nào./.