Hôm nay (6/9), Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp thường trực mở rộng thẩm tra các Báo cáo công tác năm 2021 của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Tại phiên họp, các đại biểu đề nghị làm rõ một loại tội phạm mới xuất hiện đó là “tội phạm từ thiện” và một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo báo cáo của các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan, trong kỳ đã có 51 người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Trong đó, có 16 người đứng đầu bị xử lý hình sự; 35 người đã bị xử lý kỷ luật (khiển trách 16 người, cảnh cáo 10 người, cách chức 9 người).

Các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 3.108 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 276 vụ việc và 376 người vi phạm (giảm 27% số vụ và 37% số người vi phạm so với năm 2020); đã xử lý hành chính 188 người; kiến nghị thu hồi 50,8 tỷ đồng, đã được thu hồi được 43 tỷ đồng.

Cho ý kiến về Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 của Chính phủ, Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp nhận định, tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục…, trong đó có sự câu kết, “thổi giá” giữa cơ quan nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp thẩm định giá.

Đáng lưu ý, thời gian qua phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với một số hành vi phổ biến như: mua bán, đấu thầu trang thiết bị phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi … Tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là ở cơ sở; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ phòng chống tham nhũng vẫn còn. Do đó, các ý kiến đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả.

Giải trình tại phiên họp, Trung tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, tác động trực tiếp của đại dịch Covid-19 làm thay đổi và gia tăng những hành vi phạm tội. Từ nhiều chủ trương mạnh của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các loại tội phạm đang trong tình trạng giãn cách xã hội, ở nhà hoạt động bị ngừng trị. "Hiên lực lượng công an đang tăng cường kiểm tra làm giảm các tội phạm dạng này cùng với công tác tập trung cho chống dịch”, Trung tướng Trần Quốc Tỏ nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, Chính phủ cần phân tích rõ những kết quả, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, xuất hiện thêm nhiều vấn đề mới phát sinh, cần nhận diện và xử lý. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa Ủy ban Tư pháp với các cơ quan trong khối tư pháp./