Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong Diễn văn khai mạc Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, tổ chức tại Hà Nội ngày 21/11/1946, Bác Hồ đã nêu rõ: “Nền văn hóa mới của Việt Nam phải lấy hạnh phúc của nhân dân, của dân tộc làm cơ sở; phải học lấy những điều tốt đẹp của văn hóa nước ngoài tạo ra nền văn hóa Việt Nam, sao cho văn hóa mới phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập”(1).
Muốn làm được điều đó, nhiệm vụ đầu tiên và rất quan trọng là phải thường xuyên quan tâm xây dựng lối sống văn hóa và môi trường văn hóa.
Lối sống văn hóa như Bác nói là được thể hiện trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt hàng ngày như cách ăn mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc… Cốt lõi của lối sống văn hóa là nhân sinh quan, thế giới quan cách mạng, tiến bộ. Lối sống văn hóa mà Đảng ta, nhân dân ta xây dựng biểu hiện tập trung các giá trị của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là lối sống nhằm phát huy cao độ những giá trị tốt đẹp, bền vững của ông cha ta để lại như lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết cộng đồng, đức tính cần cù, giản dị, coi trọng đạo lý, nghĩa tình… Đó là lối sống lấy độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nội dung, mục tiêu hoạt động của cộng đồng và mỗi cá nhân.
Còn môi trường văn hóa là điều kiện để hình thành nhân cách con người văn hóa và lối sống văn hóa. Trong môi trường văn hóa có môi trường văn hóa xã hội, môi trường văn hóa cộng đồng, môi trường văn hóa gia đình… Môi trường văn hóa của nước ta xây dựng hiện nay bảo đảm cho con người được giao tiếp với thiên nhiên, sống trong một môi trường trong lành, hài hòa, bền vững. Đồng thời, ở đó con người với con người được sống bình đẳng, tự do, hạnh phúc, được phát huy mọi năng lực, sở trường, được thụ hưởng những giá trị chân – thiện – mỹ. Ở đó, cái đúng, cái tốt, cái đẹp, cái tiến bộ được tôn trọng và bảo vệ. Cái xấu, cái ác, cái phản văn hóa phải bị phê phán, loại trừ.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh những nội dung và các giải pháp về xây dựng lối sống văn hóa, môi trường văn hóa đã được Bác nêu một cách đầy đủ, cụ thể, giản dị mà sâu sắc. Người nói: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Thí dụ ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi.
Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Thí dụ: ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước.
Cái mới mà hay thì ta phải làm. Thí dụ: ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho nó ngăn nắp(2).
Tư tưởng Hồ Chí Minh về lối sống văn hóa còn có cả xây dựng lối sống văn minh, phù hợp với yêu cầu của thời đại. Muốn thực hiện điều này, theo Bác là phải thường xuyên quan tâm nâng cao dân trí, nhận thức đầy đủ vai trò của văn hóa, giáo dục con người “biết ham đọc”, bởi có học mới tiến bộ. Đồng thời, xây dựng lối sống văn hóa phải được nhận thức và thể hiện từ mỗi con người, trong từng gia đình, từng làng xóm, phố phường ra toàn dân mới có hiệu quả bền vững và phát huy tác dụng tích cực, rộng lớn, lâu dài.
Xây dựng môi trường văn hóa trong tư tưởng Hồ Chí Minh là luôn coi trọng và đề cao mối quan hệ hài hòa, sự kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng môi trường xã hội và môi trường tự nhiên. Trong môi trường xã hội phải coi trọng và luôn chăm lo giáo dục bồi dưỡng nhân cách phẩm chất con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bác Hồ nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa”(3).
Trong môi trường xã hội đó con người phải được tự do, bình đẳng, được sống ấm no, hạnh phúc, nhân phẩm, quyền lợi chính đáng được bảo vệ, chủ nghĩa cá nhân phải bị phê phán, loại bỏ, tham ô, tham nhũng, lãng phí phải được ngăn chặn, con người luôn coi trọng giá trị đạo đức và biết tôn trọng pháp luật…
Cùng với việc quan tâm xây dựng môi trường xã hội, Bác Hồ sớm nhận thức và luôn coi trọng, chú ý tới bảo vệ môi trường tự nhiên.
Cách đây hơn nửa thế kỷ, Bác Hồ đã phát động “Tết trồng cây” và kêu gọi: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Điều này cho thấy, Người đặt lợi ích của “trồng cây” và “trồng người” quan trọng như nhau và trong mối quan hệ gắn bó không thể tách rời của đời sống con người, của dân tộc. Người khẳng định: “Do Tết trồng cây mà nước ta ngày càng xanh tươi, nhân dân ta càng thêm giàu có”.
Ngày nay, môi trường sống đã trở thành vấn đề toàn cầu. Thế giới lấy ngày 5/6 hàng năm làm Ngày Môi trường thế giới, khuyến cáo mọi người, mỗi quốc gia hãy quan tâm và có trách nhiệm, hành động thiết thực nhằm bảo vệ môi trướng sống trên khắp hành tinh. Có thể nói, thông qua “Tết trồng cây” do Bác Hồ phát động đã cho thấy, Người chính là nguyên thủ quốc gia đầu tiên dự báo và đưa ra chiến lược bảo vệ môi trường.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng lối sống văn hóa và môi trường văn hóa, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp về phát triển văn hóa qua các thời kỳ, từ đó làm cho lối sống văn hóa, môi trường văn hóa nước nhà đã phát huy được những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam, tính ưu việt của văn hóa xã hội chủ nghĩa được thể hiện, trở thành “cái nôi” nuôi dưỡng những phẩm chất và nhân tố tích cực trong cộng đồng xã hội, góp phần vào những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn chỉ ra rằng, hiện nay lối sống văn hóa và môi trường văn hóa nước ta còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, lo ngại, tồn tại ở nhiều nơi, cả ở nông thôn và thành thị. Chẳng hạn như hiện tượng tàn phá thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, hủy hoại môi sinh một cách nghiêm trọng diễn ra khá phổ biến, kéo dài không được ngăn chặn. Sự lãng quên vô thức của con người làm cho các di sản văn hóa nhiều nơi bị biến dạng, xuống cấp nghiêm trọng… Một số người, ở nhiều nơi kể cả trong trí thức, văn nghệ sĩ, thanh thiếu niên sống thiếu văn hóa, ăn mặc lố lăng, đầu tóc nhuộm vàng nhuộm đỏ, nói năng văng tục, đua đòi lãng phí, vứt rác bừa bãi, vi phạm pháp luật, thiếu tôn trọng kỷ cương, không tự giác chấp hành luật lệ giao thông… Môi trường gia đình, xã hội bị xuống cấp, có nơi, có lĩnh vực đáng lo ngại. Điều đó đang đặt ra cho chúng ta từ các tổ chức Đảng, đến cả hệ thống chính trị ở trung ương đến các cơ sở phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp bách của nhiệm vụ xây dựng lối sống văn hóa, môi trường văn hóa ở nước ta hiện nay.
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vừa qua đã giành mục VI nói về “Chăm lo phát triển văn hóa”, trong đó nhiệm vụ “củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng” được đưa lên đầu tiên với những nội dung cơ bản, cụ thể:
Một là: Đưa phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng xã, phường, khu phố, thôn bản đoàn kết, dân chủ, văn minh, lành mạnh.
Hai là: Xây dựng nếp sống văn hóa trong các gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống, tạo sức đề kháng đối với các sản phẩm độc hại. Đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống.
Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh việc giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; ngăn chặn và đẩy lùi các hủ tục, bạo lực, gây rối trật tự công cộng, mại dâm, ma túy, cờ bạc…
Bốn là: Sớm có chiến lược quốc gia về xây dựng gia đình Việt Nam, góp phần gìn giữ và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, con người Việt Nam, quan tâm bồi dưỡng, giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống, nếp sống mới đối với thế hệ trẻ.
Năm là: Đúc kết và xây dựng hệ thống giá trị chung của con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân.
Sáu là: Tiếp tục phát triển nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu chất nhân văn, dân chủ, khẳng định cái đúng, cái đẹp, đồng thời lên án cái xấu, cái ác, bồi dưỡng lý tưởng, thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ… Đồng thời tập trung xây dựng môi trường, lối sống và đời sống văn hóa của mọi người dân, phát huy năng lực làm chủ của nhân dân…
Bước sang năm 2013, với quyết tâm và khí thế mới, chúng ta tin tưởng đất nước ta sẽ đạt được những thành tựu mới về các mặt, trong đó có thành tựu “củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng” theo tư tưởng Hồ Chí Minh mà Nghị quyết Đại hội XI đã chỉ ra, góp phần làm cho văn hóa nước nhà xứng đáng với vai trò “soi đường cho quốc dân đi” như lời Bác căn dặn, trong thời kỳ đất nước đổi mới và hội nhập./.
(1): Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử. NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 1993, tập 3, tr. 342
(2): Hồ Chí Minh: Toàn tập. NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 2000, tập 5, tr. 94
(3): Hồ Chí Minh: Về đạo đức cách mạng. NXB Sự thật Hà Nội, 1976, tr. 97