Ngày 29/11, Điện Kremlin thông báo, Tổng thống Nga Putin sẽ tiến hành hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong ngày 30/11. Các báo lớn của Nga đồng loạt đưa tin về chuyến thăm chính thức LB Nga của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, theo lời mời của Tổng thống Nga Putin, từ ngày 29/11 đến 2/12.

Theo Điện Kremlin, ngày 30/11, tại thủ đô Moscow sẽ diễn ra cuộc hội đàm của Tổng thống Nga Vladimir Putin với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ ​​thảo luận các vấn đề thời sự của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa LB Nga và Việt Nam trong các lĩnh vực, bao gồm đối thoại chính trị, hợp tác thương mại và kinh tế, kỹ thuật-quân sự, khoa học - công nghệ và tiếp xúc nhân đạo, cũng như trao đổi quan điểm về chương trình nghị sự khu vực.

Các hãng thông tấn Nga Tass, Regnum, hãng tin Rianovosti, các báo điện tử hàng đầu như Lenta, Vesti, Rg, Ng.ru… đồng loạt đưa tin về chuyến thăm LB Nga của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.

Báo Độc lập (Ng.ru) đăng bài viết của chuyên gia bình luận chính trị quốc tế Grigory Trofimchuk, với nhan đề ''Chủ tịch Nguyên Xuân Phúc có thể đề nghị gì với Tổng thống V.Putin". Bài báo đánh giá cao mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-LB Nga, cũng như ý nghĩa chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Nga từ ngày 29/11 tới 2/12. Tác giả Trofimchuk khẳng định, Việt Nam là đối tác tin cậy của LB Nga không chỉ trong thời kỳ Liên Xô trước đây, mà cả  ngày nay. Nga và Việt Nam đồng quan điểm về nhiều vấn đề quốc tế, đáng chú ý, cả hai nước đều ủng hộ hệ thống trật tự thế giới đa cực, trong đó có nguyên tắc giải quyết các cuộc xung đột lớn trên thế giới bằng biện pháp ngoại giao hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Về hợp tác kinh tế-thương mại, bài viết nhấn mạnh, năm 2015, Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Việt Nam đã ký Hiệp định về khu vực thương mại tự do, qua đó đưa Hiệp hội kinh tế này lên một tầm cao mới, không chỉ cho phép mở rộng trao đổi thương mại song phương, mà còn giúp mở rộng không gian Á-Âu sang khu vực Đông Nam Á. Chuyên gia Trofimchuk khẳng định, Việt Nam chính là “một trong những đầu tàu quan trọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi được coi là trọng tâm của tăng trưởng kinh tế-tài chính thế giới".

Bài viết đăng trên Regnum.ru, nhan đề “Những đặc điểm quan hệ của Nga và Việt Nam trước cuộc gặp của Tổng thống và Chủ tịch nước” của nhà khoa học chính trị, GS.TS Vladimir Kolotov, nhấn mạnh rằng, trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, hai nước đã hỗ trợ lẫn nhau một cách hiệu quả. Vào đầu năm 2020, khi mới bùng phát dịch bệnh, LB Nga thiếu các phương tiện bảo vệ cá nhân, Việt Nam đã gửi khẩu trang và hỗ trợ chất sát khuẩn. Còn tại Nga, các loại vaccine ngừa Covid-19 đã được phát triển và đăng ký khá nhanh, chúng được cung cấp cho Việt Nam trên cơ sở ưu tiên, theo yêu cầu đầu tiên, bao gồm cả công nghệ sản xuất tại chỗ.

Theo chuyên gia Kolotov, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đều là các chính trị gia giàu kinh nghiệm, đã từng giữ vai trò thủ tướng, vì vậy quyền lực và ảnh hưởng của hai nhà lãnh đạo đủ để đưa quan hệ Nga-Việt Nam lên một tầm cao mới, không chỉ về mặt hình thức, mà cả nội dung thực tiễn. Đối với Nga, đây là cơ hội tiếp cận thị trường đầy triển vọng và có khả năng thanh toán trong khu vực đang phát triển năng động nhất trên thế giới, nơi Nga không có bất kỳ mâu thuẫn chính trị và ý thức hệ nào, điều này đặc biệt quan trọng trong thời kỳ phương Tây thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Ông bày tỏ hy vọng rằng, trong cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Chủ tịch nước Việt Nam sắp tới sẽ tìm ra được những cách tiếp cận hiệu quả để vượt qua những rào cản hiện có và nâng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Việt Nam lên một tầm cao mới xứng đáng, với những nội dung cụ thể, phù hợp với tiến trình đẩy mạnh hiện đại hóa, đáp ứng lợi ích lâu dài của nhân dân hai nước./.