Thưa Ngài Đồng Chủ tịch,

Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt nhất tới Ngài Đồng Chủ tịch, Ngài Tổng Thư ký Liên Hợp quốc và các vị lãnh đạo cấp cao các nước có mặt tại Hội nghị.

Thưa Ngài Đồng Chủ tịch,

Cách đây 15 năm, chúng ta đã thông qua Tuyên bố và 8 Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ cho giai đoạn 2000-2015.

Hôm nay, chúng ta hài lòng ghi nhận kinh tế thế giới đã có dấu hiệu cải thiện tuy còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đã đạt kết quả khả quan tại nhiều nước, góp phần cải thiện đời sống cho hàng trăm triệu người.

ctn_phat_bieu_tai_hn_thuong_wlqx.jpg
Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc.

Tuy nhiên, thế giới vẫn còn hơn 1 tỷ người sống trong nghèo đói, nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ chưa đạt kết quả như mong muốn.

Các thách thức về đói nghèo, dịch bệnh, bất công xã hội, cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột, khủng hoảng, tình trạng bạo lực, bất ổn, căng thẳng gia tăng tại nhiều nơi đang đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và sự phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Chúng ta có mặt tại đây để bày tỏ cam kết và ủng hộ mạnh mẽ một Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển có tính bước ngoặt.

Văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững”, với 17 Mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể, đã đề ra tầm nhìn chiến lược mới, phản ánh khát vọng chung của toàn nhân loại được sống trong một thế giới hòa bình, an toàn, công bằng, xanh và sạch; tạo khuôn khổ và định hướng mới cho mọi quốc gia trong việc ứng phó các thách thức chung trên ba trụ cột chính là kinh tế, xã hội và môi trường.

Thưa Ngài Đồng Chủ tịch,

Việt Nam ủng hộ và cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết, huy động tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và tất cả các Mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, chúng tôi xin nhấn mạnh 3 điểm sau:

Thứ nhất, hòa bình và phát triển luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Các Mục tiêu phát triển bền vững không thể trở thành hiện thực trong điều kiện chiến tranh, xung đột và bất ổn. Chúng ta chỉ tập trung được mọi nguồn lực cần thiết cho phát triển trong môi trường hòa bình, ổn định. Do đó, bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững.

Chúng ta cần thúc đẩy giải quyết thỏa đáng các xung đột, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kiềm chế không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tăng cường hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các quốc gia.

Thứ hai, là quốc gia đã đạt và vượt trước hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam cho rằng để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 về phát triển, mỗi quốc gia trước hết cần có quyết tâm chính trị cao, phát huy tối đa nội lực và tiềm năng đất nước, đưa quan điểm bền vững trở thành định hướng thường xuyên, lâu dài và lồng ghép các Mục tiêu phát triển bền vững vào mọi chiến lược và chương trình quốc gia, trong đó con người luôn được đặt ở vị trí trung tâm, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của mỗi quốc gia.

Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững giai đoạn 2011-2020.

Chúng tôi cam kết sẽ đẩy nhanh việc tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế, đảm bảo công bằng xã hội, tiết kiệm tối đa tài nguyên và cải thiện môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba là sự cần thiết phải tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững, trong đó LHQ, các tổ chức quốc tế đóng vai trò thúc đẩy và điều phối quan trọng.

Tôi kêu gọi các nước phát triển thể hiện trách nhiệm và vai trò tiên phong hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong việc hỗ trợ nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ, tạo thuận lợi trong thương mại, tiếp cận nguồn vốn...

Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi trân trọng cảm ơn tất cả các nước, các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trong thời gian qua.

Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, giúp đỡ quý báu trên trong quá trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Thưa Ngài Đồng Chủ tịch,

Việt Nam cùng các nước thành viên ASEAN đang nỗ lực hoàn tất việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015, nhằm xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh. Việt Nam cũng đang nỗ lực cùng các nước ASEAN và các nước liên quan duy trì và củng cố hòa bình, an ninh trong khu vực nhằm tạo môi trường thuận lợi cho phát triển bền vững, trong đó có an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, con đường huyết mạch kết nối ASEAN với các nước và khu vực khác.

Chúng tôi kiên trì và nhất quán chủ trương giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng Luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển của Liên Hợp quốc 1982, thực hiện nghiêm túc và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Thưa Ngài Chủ tịch,

Tôi tin tưởng rằng, với quyết tâm và cam kết chính trị cao, chúng ta sẽ thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững vì lợi ích chung của toàn nhân loại, vì cuộc sống an toàn và tốt đẹp hơn cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.

Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào các nỗ lực chung để không một cá nhân, một nước nào bị tụt hậu trong tiến trình này.

Xin cảm ơn Ngài Đồng Chủ tịch và các Quý vị./.