Sáng 19/10, Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến, góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XIII với sự tham gia của các khách mời: GS, TS Phùng Hữu Phú, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký kiêm Ủy viên Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương; TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cho biết, kể từ khi đăng tải thông tin về cuộc tọa đàm, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 200 câu hỏi của bạn đọc mong muốn tìm hiểu các nội dung chủ yếu, trọng tâm, cốt lõi trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII cần góp ý trong thời gian tới.
Vì vậy, trong cuộc tọa đàm, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản đề nghị các khách mời tập trung làm rõ hơn những nhóm nội dung quan trọng cốt lõi trong Dự thảo các văn kiện: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10nawm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ XII…
Qua đó góp phần tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân...
Là thành viên Ban soạn thảo dự thảo các văn kiện, GS-TS Phùng Hữu Phú, cho biết, quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội Đảng cũng như quá trình xây dựng các đường lối, chủ trương của Đảng đều tuân thủ theo sự chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là mọi đường lối, chủ trương của Đảng xuất phát từ nơi dân chúng và trở lại với dân chúng.
GS Phùng Hữu Phú cho biết, chủ đề của Đại hội là kết hợp của 5 thành tố: Về Đảng, về dân tộc, về công cuộc đổi mới, về sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, mục tiêu phấn đấu.
Đại hội X, XI, XII, các chủ đề đều nói đến 5 thành tố này. Lần này kế thừa những chủ đề của các Đại hội lần trước, đặc biệt là Đại hội XII, nhưng có bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.
Cụ thể, chủ đề Đại hội lần này có những điểm mới như, trước đây là “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh”, lần này, chủ đề Đại hội được đề xuất “Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Như vậy, có bổ sung thêm “hệ thống chính trị” bao gồm Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội. Đảng vừa là thành viên, vừa là lãnh đạo cao nhất.
Về yếu tố dân tộc, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, đã bổ sung thêm yếu tố dân chủ, xây dựng xã hội chủ nghĩa có bổ sung thêm những nhân tố mới là khơi dậy khát vọng phát triển dân tộc, phát huy ý chí.
Điểm mới của yếu tố dân tộc trước hết nhấn mạnh vấn đề khát vọng phát triển đất nước, khơi dậy tinh thần phát triển, xây dựng đất nước phồn vinh hạnh phúc, có ý chí vươn lên. Khát vọng và ý chí là trạng thái tinh thần nhưng có sức mạnh chuyển hóa thành hành động. Đất nước ta đã trải qua những giờ phút khó khăn, đã vượt qua nghèo đói lạc hậu, chúng ta chiến thắng và vượt lên bằng khát vọng dân tộc. Như vậy, lần này chúng ta nhấn mạnh đến nội dung phải khơi dậy ý chí khát vọng dân tộc. Trong thời đại toàn cầu hóa, không dân tộc nào tự mình đi lên, mà phải gắn vận mệnh dân tộc, đất nước mình vào thời đại, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với thời đại. Mục tiêu phát triển phấn đấu đến thế kỷ XXI đưa nước ta phát triển thành nước xã hội chủ nghĩa. Trước đây, chúng ta đã phấn đấu trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Lần này, chúng ta đã tiếp thu xu hướng chung kinh nghiệm của thế giới, đưa nước ta thành quốc gia phát triển theo chuẩn mực chung.
Gợi ý người dân khi góp ý về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị các ý kiến cần đánh giá tình hình một cách khách quan, nhất là bối cảnh Covid-19 vào năm 2020, 5 năm qua (2015-2020), trong đó 4 năm đầu tăng trưởng đạt 6,8%, chỉ năm nay mới hơn 2%. Qua đó góp ý những mặt được và chưa được, một cách khách quan nhất. Cùng với đó cần phát hiện thêm các nguyên nhân mà Dự thảo chưa đề cập hết, đặc biệt rút ra bài học để từ đó có phương hướng khắc phục, hành động hiệu quả trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn 10 năm 2001-2020.
Chia sẻ về những điểm mới trong nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế về phát triển văn hóa - xã hội được đề cập trong dự thảo, PGS.TS Nguyễn Viết Thông cho biết, Báo cáo chính trị lần này dành hai mục lớn, nói về văn hóa con người và xã hội.
Về văn hóa, có một số điểm mới nổi bật: Thứ nhất, tập trung nghiên cứu xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia và chuẩn mực con người gắn với phát triển hệ gia đình Việt Nam trong thời đại mới. Lần đầu tiên trong văn kiện Đảng nêu rõ phải tập trung xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia. Đất nước ta có mấy nghìn năm lịch sử, có nhiều giá trị cần phải được tổng kết và xây dựng. Thứ hai là yêu cầu có giải pháp mạnh mẽ để ngăn chặn sự xuống cấp về lối sống đạo đức.
Điểm thứ ba Đại hội XII đã đề cập, lần này nhấn mạnh hơn là phát triển công nghiệp văn hóa. Trên thế giới đã triển khai rồi, nhiều nước có nền công nghiệp văn hóa phát triển rất mạnh nhưng Việt Nam đề ra trong các Đại hội trước nhưng triển khai chưa được bao nhiêu. Trong dự thảo Văn kiện lần này đề ra nhiệm vụ quan trọng triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Đây cũng là những điểm mới về văn hóa.
Về xã hội, lần này nhấn mạnh hơn ngay cả trong đánh giá tình hình, trong quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp có nói đến. Điểm đầu tiên khi nói về xã hội, dự thảo Văn kiện nói nhận thức đầy đủ và bảo đảm tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội. Trong phần đánh giá, đã thể hiện rõ tinh thần này.
Tính ưu việt của xã hội ta so với các nước tư bản không thể lấy tốc độ tăng trưởng, bình quân thu nhập đầu người để so với họ mà cái để so là vấn đề xã hội, nên làm sao yếu tố xã hội phải thể hiện đậm nét hơn. Dự thảo lần này nhấn mạnh đến xã hội và phúc lợi xã hội. Cái này phải nói rõ là chúng ta làm chưa tốt, chừng mực nào đã ảnh hưởng đến định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó quan điểm đầu tiên khi nói đến vấn đề xã hội là phải nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội. Đây là cái mới và nhấn mạnh đến an sinh xã hội, phúc lợi xã hội sẽ thấy được tính ưu việt của CNXH. Điều này đã được thể hiện qua đợt đại dịch và ứng phó với đại dịch. Một trong những nguyên nhân mà chúng ta ứng phó thành công là tính ưu việt của CNXH. Những ưu việt này chúng ta phải nhân rộng hơn, phát huy thành công hơn so với các kỳ trước đây. Chính sách xã hội hiện nay vẫn nằm chung trong tăng trưởng kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa, thể hiện ở tiến bộ và công bằng xã hội./.