Tại tọa đàm, các chuyên gia cho biết, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung quyền mới của công dân tại Điều 34 là: Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.
Đây là cơ sở hiến định để công dân bảo đảm có thu nhập tối thiểu, thoát khỏi tình trạng nghèo đói khi không có việc làm hoặc không có thu nhập.
Đây cũng là cơ sở để Nhà nước xây dựng một hệ thống pháp luật duy trì thu nhập do Nhà nước quản lý, bảo đảm cho công dân được hưởng quyền về an sinh xã hội - Điều 59, Hiến pháp năm 2013 hiến định: Nhà nước phát triển hệ thống an sinh xã hội.
Để thể chế hóa quyền an sinh xã hội, TS Nguyễn Bích Ngọc - Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã chia thành 4 nhóm chính sách xã hội cần sửa đổi cho phù hợp với Hiến pháp mới.
Cụ thể, nhóm chính sách việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; Nhóm chính sách bảo hiểm xã hội; Nhóm chính sách trợ giúp xã hội và Nhóm bảo đảm mức tối thiểu các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động ...
Về nội dung này, Tiến sỹ Nguyễn Bích Ngọc kiến nghị: “Hoàn thiện chính sách bảo hiểm bắt buộc theo hướng mở rộng đối tượng có thời gian lao động 1 tháng; người sử dụng lao động; bổ sung chế độ mất sức lao động, cần tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo an toàn quỹ Bảo hiểm xã hội. Sửa đổi chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện như: Bổ sung chế độ hỗ trợ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, tạo điều kiện cho lao động nam trên 45 tuổi và nữ trên 40 tuổi được tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu và đề nghị hỗ trợ một phần quỹ đóng bảo hiểm tự nguyện cho người nghèo và cận nghèo”.
Liên quan tới lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc, tại Điều 57, Chương III, Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Nhà nước khuyến khích tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân, tạo việc làm cho người lao động; Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Để thể chế hóa nội dung này phù hợp với các luật liên quan, trong đó có bộ Luật lao động, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó Chánh văn phòng kiêm Vụ trưởng vụ 3, Văn phòng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho rằng, cần có những điều khoản bổ sung cụ thể hóa thêm Bộ Luật lao động vừa ban hành năm 2012 để phù hợp hiến định trong Hiến pháp như vấn đề quyền được biểu tình, đình công.
Kết luận buổi tọa đàm, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu, trong đó đã làm rõ thêm các nội dung liên quan tới chính sách an sinh xã hội, quyền bình đẳng để kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định trong các luật liên quan cho phù hợp với Hiến pháp mới./.