Thông điệp xây dựng một Chính phủ hành động được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đưa ra khi nhậm chức đang dần được cụ thể hóa qua những chỉ đạo điều hành mạnh mẽ và việc làm rõ ràng, từ việc cụ thể đến những vấn đề mang tính lâu dài.

Việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho thấy tinh thần “không thể tiếp tục bắn chỉ thiên” mà phải “bắn” có mục tiêu, làm là phải có kiểm tra để gắn lời nói với hành động.

Tổ Công tác với chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc theo dõi, đôn đốc và được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sẽ định kỳ hàng tháng hoặc sau mỗi đợt kiểm tra sẽ báo cáo đầy đủ và chính xác tình hình cùng những kiến nghị các biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế cũng như xử lý vi phạm nếu có.

tocongtacchinhphu_erxo.jpg
Tổ trưởng Tổ Công tác của Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Tài chính (Ảnh: Nhật Bắc)

Chỉ sau nửa tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo, Tổ Công tác này đã được thành lập do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng. Và cũng chỉ một tuần sau đó, nhiệm vụ đã được triển khai với những hiệu ứng tích cực sau buổi làm việc với Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và Bộ Tài chính.

Cơ sở cho đánh giá đó chính là quan điểm làm việc rõ ràng của Tổ Công tác trong việc chỉ ra các nhiệm vụ đã hoàn thành, hoàn thành quá thời hạn và chưa hoàn thành cùng những vướng mắc ở các khâu được công khai tới người dân qua báo chí.

Với Bộ KH-ĐT, theo số liệu thống kê của Văn phòng Chính phủ, tính từ đầu năm, có 74 nhiệm vụ đã hoàn thành nhưng 58 nhiệm vụ trong số này hoàn thành quá hạn. Còn 167 nhiệm vụ chưa thực hiện, trong đó có 15 nhiệm vụ đã quá hạn. Số nhiệm vụ mà Bộ Tài chính được giao nhưng chưa hoàn thành là 5, trong đó có nhiệm vụ đã quá hạn gần 2 tháng.

Tinh thần nói thẳng, chỉ ra “địa chỉ” còn tồn tại, hạn chế cũng đã được thể hiện qua hai buổi làm việc đầu tiên của Tổ Công tác. Đơn cử như Tổ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ KH-ĐT phải quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, không để doanh nghiệp phải xếp hàng. Hay việc ông nhắc nhở “nhất là co kéo quyền về bộ mình để đẻ ra giấy phép con, tạo cơ chế xin - cho. Nhiều doanh nghiệp phản ánh phải xếp hàng dài ở Bộ Xây dựng để xin giấy phép xây dựng”.

Bộ ngành, địa phương hợp tác chưa tốt cũng được nêu rõ. Ví dụ sinh động là việc phân bổ 2.000 tỉ đồng khắc phục hạn mặn cho các địa phương ĐBSCL từ đầu năm 2016 đến nay vẫn giậm chân tại chỗ, chưa có địa phương nào rút được tiền hỗ trợ. Nguyên nhân là do Bộ KH-ĐT và Bộ NN-PTNT “trái kèo”.

Hay việc soạn thảo, xây dựng Nghị định về chống chuyểngiá, trốn thuế đã quá hạn gần 2 tháng cũng có nguyên do tới nay vẫn còn Bộ KH-CN và TP Đà Nẵng chưa cử người tham gia ban soạn thảo dù Bộ Tài chính đã có công văn.

Không ngồi đấu lý, không chờ đợi và đưa ra mốc thời gian cụ thể để giải quyết các nhiệm vụ nêu trên là điều mà ông Mai Tiến Dũng khẳng định ngay trong các buổi làm việc. Người đứng đầu hai ngành KH-ĐT và Tài Chính cũng thể hiện quyết tâm giải quyết mạnh mẽ.

Một điều đáng chú ý là việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lên nhắc nhở khi không thấy báo chí truyền đạt ý chỉ đạo của Thủ tướng mà Tổ công tác đã nêu ra khi làm việc với Bộ KH-ĐT về những kiểm điểm, phê bình. Điều đó thể hiện sinh động sự giám sát, hành động của người đứng đầu Chính phủ và quan điểm chỉ rõ yếu kém.

Với những vấn đề cụ thể được chỉ rõ cùng lời hứa của người có trách nhiệm trong các buổi làm việc với Tổ Công tác của Chính phủ, có thể tin tưởng rằng, những nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ phải sớm được thực hiện./.