Sáng 14/9, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Tọa đàm Phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng ở Việt Nam, với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban, đại diện Bộ LĐTBXH, Văn phòng Quốc hội, Chương trình phát triển LHQ, chuyên gia đến từ Brazil.

chu-nhiem-ub-truong-thi-mai.jpg
Bà Trương Thị Mai ch ý kiến

Thông qua các tham luận và trao đổi ý kiến, các đại biểu cho rằng, việc tiếp cận nghèo đa chiều không chỉ giúp xây dựng các chính sách, chương trình toàn diện, phù hợp mà còn hướng đến lựa chọn đối tượng thụ hưởng một cách chính xác, hợp lý.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, việc chỉ dựa vào tiêu chí thu nhập để đánh giá là chưa hợp lý, vô tình loại rất nhiều nhóm dân cư, bộ phận ra khỏi đối tượng nghèo, khi mà ở các khía cạnh khác họ vẫn thuộc diện nghèo (giáo dục, y tế, điều kiện sống..). Do đó, cần tiếp cận nghèo theo phương pháp đa chiều để thực sự hỗ trợ cho nhóm yếu thế có được cuộc sống tốt hơn trên nhiều khía cạnh khác nhau.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, Nghị quyết của Trung ương đề cập rõ đến 2020 phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân như thế nào, đạt tiêu chuẩn về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường… ra sao, cũng cho thấy cách tiếp cận đa chiều trong giải quyết nghèo đói.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 30 chính sách khác nhau đang hỗ trợ cho người nghèo. Tuy nhiên, số cận nghèo còn rất lớn và nguy cơ từ cận nghèo sang nghèo do nhiều yếu tố (như thiên tai, khủng hoảng kinh tế…) cao. Do đó, cần nâng tầm một số chính sách để có tác động tốt hơn, hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững.

Bà Trương Thị Mai cũng nhấn mạnh rằng, chúng ta khởi đầu rất tốt nhưng chưa hoàn thành chính sách giảm nghèo và nhiều thách thức vẫn đặt ra, trong đó điều quan trọng là chất lượng giảm nghèo.

Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã và đang đặc biệt quan tram đến chính sách đối với người nghèo thông qua việc quan tâm đầu tư nguồn lực trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Nguồn lực Nhà nước dành cho công việc này rất lớn và chủ yếu tập trung cho các vùng nông thôn, miền núi có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Thông qua tác động, hiệu quả thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và các huyện nghèo giảm nhanh, hoàn thành mục tiêu Quốc hội đề ra. 

Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 11,76% (2011) và 9,6% (năm 2012), bình quân giảm 2,3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a đã giảm từ 58,33% (2010) xuống còn 50,97 (năm 2011) và 43,89% (2012), bình quân giảm trên 7%/năm. Những thành công trong công tác giảm nghèo đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá.

Tuy vậy, các ý kiến cho rằng còn khá nhiều vấn đề cần được xem xét, đánh giá sâu sắc hơn đối với cả giai đoạn trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo như kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao ở vùng có đông đồng bào; việc điều hòa phối hợp giữa các chương trình, chính sách giảm nghèo khác nhau chưa đồng bộ, chính xác, dẫn đến manh mún, dàn trải nguồn lực, chồng chéo, trùng lắp, hiệu quả chưa cao…

Theo Bà Trương Thị Mai, số hộ nghèo còn tập trung vào số hộ nghèo khó khăn nhất, qua nhiều giai đoạn thực hiện chính sách giảm nghèo nhưng chưa thoát nghèo được, tập trung ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa hoặc ở nơi thường dễ bị tổn thương trước sự phát triển của nền kinh tế.

Do đó, những giải pháp đưa ra đòi hỏi phải cụ thể, phù hợp với nhóm đối tượng ở vùng miền khác nhau, đòi hỏi phải nghiên cứu, xem xét phương thức xác định hộ nghèo, đánh giá, phân loại tình trạng nghèo, các yếu tố tác động đa chiều tới nghèo đói có khả năng chuyển thành chính sách thường xuyên với mục tiêu, phương pháp và mô hình quản lý phù hợp với giai đoạn mới của chính sách giảm nghèo bền vững.

Cũng tại buổi tọa đàm, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng cung cấp nhiều thông tin, số liệu và chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều và khả năng áp dụng tại Việt Nam./.

Tháng 9/2013, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết thành lập đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012’.

Mục tiêu là đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo trong giai đoạn trên, những thuận lợi, khó khăn, tồn tại, nguyên nhân để từ đó kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo trong thời gian tới của Việt Nam.

Việc áp dụng phương pháp nghiên cứu nghèo đa chiều trong việc xem xét, phân tích, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách, pháp luật về giảm nghèo ở Việt Nam sẽ góp phần cung cấp thông tin để hoàn thiện dự thảo Báo cáo kết quả giám sát dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (5/2014)./.