Sáng 11/8, tiếp tục chương trình phiên họp 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày các tờ trình của Chính phủ về việc thành lập đơn vị hành chính ở Bình Phước và Tiền Giang.

Cụ thể, thị xã Chơn Thành được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 390,34 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 121.083 người của huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Thành lập 5 phường Hưng Long, Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành thuộc thị xã Chơn Thành trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị trấn Chơn Thành và 4 xã Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Long, Minh Thành thuộc huyện Chon Thành.

Thị xã Chơn Thành sau khi thành lập có 9 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 5 phường trên và 4 xã (Minh Thắng, Nha Bích, Minh Lập, Quang Minh).

Sau khi thành lập các đơn vị trên, tỉnh Bình Phước không thay đổi về diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc nhưng có tăng 1 thị xã (thị xã Chơn Thành), giảm 1 huyện (huyện Chơn Thành), giảm 1 thị trấn và 4 xã, tăng 5 phường.

Còn thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy được thành lập trên cơ sở nguyên trạng 19,07 km diện tích tự nhiên và quy mô dân số 18.502 người của xã Bình Phú, huyện Cai Lậy.

Kết quả sau khi thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy thì tỉnh Tiền Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: thành phố Mỹ Tho, 2 thị xã (Cai Lậy, Gò Công) và 8 huyện; 172 đơn vị hành chính cấp xã.

Sau khi nghe báo cáo thẩm tra, thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với 100% thành viên có mặt đồng ý thông qua nghị quyết thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và thành lập thị trấn Bình Phú thuộc huyện Cai Lậy, tỉnh Kiên Giang./.