Quá trình chuyển đổi số hiện nay đối với nhiều doanh nghiệp đang gặp phải những rào cản đó là đầu tư chuyển đổi số cao, hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển, giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế… Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, nếu chậm trễ trong triển khai chuyển đổi số sẽ khiến các doanh nghiệp chậm thay đổi, dễ bị tụt hậu trên thương trường.
Sau hơn 2 năm ảnh hưởng từ dịch Covid-19, các doanh nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đứng trước những khó khăn thách thức rất lớn trong quá trình hồi phục sau dịch. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số trong trong doanh nghiệp là những điều kiện tiên quyết giúp doanh nghiệp ứng phó với các thách thức mới, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh và nâng cao lợi thế cạnh tranh nhằm tham gia bền vững vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, có một thực tế là hiện có trên 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên thiếu rất nhiều nguồn lực, từ tài chính, công nghệ, thiếu đội ngũ chuyên gia về chuyển đổi số…
Theo ông Lê Văn Khương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vẫn đang tồn tại nhiều rào cản khiến công tác này chưa đạt hiệu quả kỳ vọng. Rào cản đó là chi phí đầu tư chuyển đổi số cao, hạ tầng công nghệ thông tin kém phát triển, giải pháp về rủi ro an ninh mạng khó tiếp cận, nguồn nhân lực chuyển đổi số hạn chế…
Ông Lê Văn Khương cho biết: "Các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong triển khai chuyển đổi số tại doanh nghiệp. Ví dụ như quản trị những sự thay đổi trong doanh nghiệp, đào tạo nhân viên chuẩn hóa các quy trình để cho doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.
Đồng thời, lãnh đạo của doanh nghiệp phải cam kết rất mạnh mẽ để triển khai thành công. Trong thời gian tới, các cơ quan của Chính phủ như Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các Ủy Ban nhân dân cấp tỉnh, các Hiệp hội cũng sẽ có nhiều giải pháp chính sách để hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số".
Chuyển đổi số hiện được xem là con đường ngắn nhất để tạo ra giá trị mới, bắt kịp và vượt lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt để phát triển bền vững. Vì thế nếu chậm trễ trong triển khai chuyển đổi số sẽ khiến các doanh nghiệp chậm thay đổi, sẽ dễ bị tụt hậu trên thương trường. Do đó yêu cầu đặt ra là, các doanh nghiệp cần bắt kịp xu thế chuyển đổi số để cải tiến mô hình hoạt động tối ưu hơn, nhanh hơn, linh hoạt hơn.
Ông Lê Hồng Quang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần MISA nêu quan điểm: "Đối với các doanh nghiệp thì phải có mấy bước, bước đầu tiên là chúng ta tạo ra những nhận thức trong chuyển đổi số. Thứ hai là chúng ta đào tạo hỗ trợ để nâng cao năng lực của đội ngũ; Thứ ba, chúng ta lựa chọn các giải pháp chuyển đổi số.
Đối với vấn đề năng lực, đội ngũ và lựa chọn giải pháp, hiện nay các nhà cung cấp giải pháp luôn luôn thiết kế sẵn ứng dụng để những người không cần quá am hiểu vẫn có thể làm theo quy trình để có thể tiếp cận các giải pháp chuyển đổi số"./.