Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihico Noda, sáng 30/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng Đoàn cấp cao Chính phủ nước ta sẽ sang thăm chính thức Nhật Bản trong 4 ngày (từ 30/10 đến 2/11). Chuyến thăm nhằm thặt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn trên cơ sở tiếp tục cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Cách đây đúng 5 năm, tháng 10/2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm chính thức Nhật Bản lần đầu tiên trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ. Chuyến công du đã để lại nhiều dấu ấn trong quan hệ và hợp tác giữa hai nước, nhất là hai bên đã thiết lập những bước cơ bản đầu tiên đưa quan hệ Việt Nam- Nhật Bản hướng tới đối tác chiến lược.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Yukio Hatoyama tại Nhật Bản (tháng 11/2009) |
Cũng vào thời điểm này năm 2010, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan, hai bên đã ra Tuyên bố chung về phát triển toàn diện quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á… mở ra chương mới trong lịch sử quan hệ và hợp tác giữa hai nước.
Trong những năm gần đây, mặc dù cả Việt Nam và Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng điều đáng trân trọng là quan hệ hợp tác giữa hai nước vẫn có những bước tiến tích cực. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2010 đạt hơn 16 tỷ USD.
Đến hết tháng 9/2011, kim ngạch thương mại giữa hai nước cũng đã lên tới gần 15 tỷ USD. Không chỉ là đối tác thương mại lớn thứ 3 của nước ta, Nhật Bản còn là nước cung cấp ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam. Cuối năm ngoái Nhật Bản cam kết mức viện trợ tài khóa 2010 cho Việt Nam hơn 1,7 tỷ USD tập trung vào các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, ứng phó với biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo…
Bà Nguyễn Phương Hồng, phó Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn sau thảm họa động đất, sóng thần và phải cắt giảm 10% ODA cho các nước nhưng Nhật Bản vẫn tiếp tục cam kết nguồn vốn ODA cho Việt Nam, điều này thể hiện Nhật Bản coi trọng quan hệ với Việt Nam…
Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 4 về vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhưng lại là nước đứng đầu về giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Điều này khẳng định sự phối hợp triển khai các dự án hợp tác giữa hai nước đang được vận hành rất tích cực.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trung tuần tháng 10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Tsuyoshi Yamaguchi khẳng định: Nhật Bản luôn coi trọng và mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế và mong muốn của cả hai bên, nhất là năng lượng, di chuyển thể nhân, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu công nghệ cao…
Cũng trong thời điểm này, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh sang thăm Nhật Bản và cùng Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Ichikawa ký Bản ghi nhớ định hướng khuôn khổ tăng cường quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Những động thái này cho thấy hai nước đang tích cực cụ thể hóa các lĩnh vực hợp tác sẽ đem lại lợi ích cho cả hai bên...
Trong chuyến thăm 4 ngày tới Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ cùng với các nhà lãnh đạo Nhật Bản trao đổi và thống nhất các biện pháp đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn, nhất là tăng cường quan hệ chính trị, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, ODA, du lịch, văn hóa, giáo dục…
Bà Nguyễn Phương Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao cho biết: cùng với trọng tâm của chuyến thăm là thúc đẩy hợp tác kinh tế thì phía Việt Nam cũng đề nghị Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm giúp Việt Nam hoàn thiện chương trình hành động để cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020…
Tháp tùng chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lần này không có nhiều doanh nghiệp mà chỉ có một số Tập đoàn, Tổng công ty có các dự án liên quan trực tiếp tới nội dung của chuyến thăm như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, sân bay quốc tế Long Thành, hợp tác khai thác đất hiếm… Đây cũng là những dự án hợp tác mang tầm chiến lược giữa hai nước.
Dư luận cả trong nước và Nhật Bản đang đặc biệt quan tâm đến chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với kỳ vọng chuyến đi này tiếp tục tạo dựng những dấu mốc mới cụ thể và thiết thực trong nỗ lực hiện thực hóa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước./.