Dự họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp cho biết, hiện nay có tình trạng thiếu thuốc tại một số địa phương và bệnh viện tuyến Trung ương. Trong đó, các thuốc thiếu bao gồm: một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư tiêu hao, hóa chất cũng xảy ra tại một số cơ sở y tế cả tuyến địa phương và trung ương. Trong đó chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm; một số trang thiết bị y tế chuyên sâu.
Nguyên nhân của tình trạng trên một phần do tác động của các yếu tố như tình hình dịch bệnh, mô hình bệnh tật. Đặc biệt, giai đoạn 2020 - 2021 là hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nguồn nguyên liệu sản xuất, hàng hóa khan hiếm, giá cả hàng hóa nhiều biến động, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn. Đáng chú ý có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, không dám làm, không dám mua sắm của một số địa phương và đơn vị.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế đã chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá trang thiết bị y tế...
Đáng chú ý, thời gian gần đây có tình trạng thôi việc, nghỉ việc của nhân lực ngành y tế trong khu vực công. Nguyên nhân một phần do lương và chế độ phụ cấp đối với viên chức y tế trong hệ thống y tế công lập thấp, nhất là tại các cơ sở y tế dự phòng và y tế cơ sở; mặt khác do áp lực công việc cao, nhất là từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay.
Khắc phục tình trạng này, ngoài tiếp tục động viên tinh thần đối với lực lượng y bác sĩ..., ngành y tế tổ chức điều động nhân lực để hỗ trợ và giảm áp lực cho cán bộ, viên chức y tế; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế; xây dựng và đề xuất các chính sách thu hút nhân viên y tế làm việc tại các cơ sở y tế công lập, nhất là nhân viên y tế công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tiếp tục đầu tư cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho cán bộ, viên chức y tế...
Tại cuộc họp, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu, thảo luận đánh giá tình hình, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và giải pháp phòng chống dịch bệnh cả trong trước mắt và lâu dài. Đặc biệt là cơ chế, chính sách, giải pháp, phương pháp thực hiện để giải quyết tình tạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế và khắc phục vấn đề nhân lực y tế; với mục tiêu và phương châm là bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết.
Kết luận cuộc họp, trên cơ sở báo cáo và phát biểu thảo luận của các bộ, ngành, thành viên Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, đang diễn ra tại nhiều nơi, khiến người dân lo lắng. Chính phủ đã nắm được qua các báo cáo, phản ánh của người dân, các cơ quan báo chí và đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế thống kê, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn, khách quan, trung thực và có hướng khắc phục kịp thời.
Thủ tướng cũng đã giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp chỉ đạo xử lý vấn đề này. Trước tình hình còn nghiêm trọng, cuộc họp hôm nay tiếp tục đánh giá sát tình hình, diễn biến, phân tích nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, thảo luận các giải pháp, thúc đẩy các công việc. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành địa phương phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm để quyết liệt khắc phục tình trạng này, tất cả vì sức khoẻ, tính mạng của người dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và hỗ trợ của bàn bè quốc tế, dịch Covid-19 được kiểm soát. Qua đó góp phần phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số nước với nguy cơ dịch quay trở lại. Đối với trong nước cần tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch, không chủ quan, lơ là, trong đó tổ chức tích cực hơn nữa tiêm vaccine cho các đối tượng cần phải tiêm, nghiên cứu tiêm vaccine cho trẻ em dưới 5 tuổi. Bên cạnh đó dịch sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, chân tay miệng đang diễn biến; một số loại bệnh khác như tim mạch, ung thư, xướng khớp, đái tháo đường… tác động lẫn nhau khiến tình hình phức tạp hơn. Do đó, bên cạnh tăng cường năng lực y tế phòng, chống dịch Covid-19, phải tập trung thuốc, thiết bị, vật tư y tế, nhân lực cho phòng, chống các dịch bệnh khác.
Thủ tướng cũng chỉ rõ, việc xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… ảnh hưởng đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chính, với việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Việc đấu thầu tập trung triển khai chậm chưa kịp thời, chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thị trường, sát với tình hình thực tế. Các đồng chí phải tích cực tham khảo, phải lăn lộn, phải nghiên cứu. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, các ngành trung ương, giữa trung ương với địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả, nhiều cán bộ là sợ trách nhiệm không dám làm gì cả. Cần phải đánh giá tổng thể khảo sát, điều tra, trên cơ sở đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ".
Về giải pháp thời gian tới Thủ tướng yêu cầu: “Tôi đề nghị các đồng chí thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về đấu thầu tập trung ở cả trung ương và địa phương, trong trường hợp có vướng mắc phải tham khảo ý kiến của các bộ, ngành để thực hiện tốt hơn trên tinh thần công khai, minh bạch khách quan, trung thực bám sát thị trường, chống tiêu cực, chống tham nhũng, lợi ích nhóm để đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế, đặc biệt là phải đảm bảo được thuốc trong hạng mục bảo hiểm y tế. Rà soát, chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước tại các đơn vị liên quan đến dược để đảm bảo không để chậm trễ trong công tác cấp phép thuốc; kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định để sớm giảm thủ tục hành chính. Đẩy mạnh phân cấp để mua sắm các thiết bị y tế trên cơ sở ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí và tăng cường kiểm tra, giám sát nâng cao năng lực quản lý đấu thầu. Các đồng chí phải khảo sát nhu cầu, dự báo tình hình, phải chủ động để đưa ra đấu thầu đấu giá. Danh mục mua sắm thì phải tập trung, trên tinh thần minh bạch, rõ ràng để giúp các cấp, các đơn vị có liên quan dễ thực hiện”.
Liên quan nguồn nhân lực ngành y tế, Thủ tướng nêu rõ, các quy định, quy chế, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ phải rà soát các quy định về số người làm việc trong ngành liên quan tổ chức bộ máy. Hoàn thiện các quy định, chính sách để đẩy mạnh xã hội hoá các dịch vụ y tế, nhất là y tế cơ sở, thu hút tư nhân tham gia công tác này nhiều hơn. Củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở theo hướng trung tâm y tế cấp huyện đa chức năng, quản lý toàn diện, điều phối nguồn lực cho y tế toàn huyện. Xây dựng khung pháp lý, cụ thể rõ ràng hơn về hợp tác công tư, tăng cường nguồn lực xã hội.
Đối với lĩnh vực khám chữa bệnh, khẩn trương thực hiện theo tinh thần Nghị định 60 của Chính phủ về tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập. Những gì vướng mắc thì bổ sung. Với lực lượng y tế dự phòng, cần sớm rà soát, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm quy hoạch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bộ Y tế cần chủ động, phối hợp các cơ quan chức năng trong việc thành lập trạm y tế không theo đơn vị hành chính mà theo quy mô dân số. Sớm đánh giá tình trạng mất cân đối nguồn nhân lực, nhất là giữa các địa bàn, giữa các tuyến, chuyên môn sâu về khám chữa bệnh dự phòng, giữa các chuyên ngành trong ngành y tế với nhau, từ đó có phương án giải quyết phù hợp, hạn chế tình trạng quá tải tại bệnh viện. Bộ Y tế phối hợp Bộ Nội vụ có phương án bố trí đủ người làm việc, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Nghiên cứu sửa đổi Nghị định 56 về chế độ, ưu đãi cho công chức, viên chức ngành y tế, nhưng phải bảo đảm phù hợp Nghị định 27, phải đề xuất hướng giải quyết. Có chủ trương hỗ trợ nhân viên y tế tham gia chống dịch Covid-19. Đồng ý chủ động cho phép Bộ Y tế tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế, tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp công lập dựa trên khoa học, thực tiễn.
Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế nắm lại tình trạng một bộ phận cán bộ, nhân viên thôi việc để từ đó có giải pháp xử lý; phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin đầy đủ; không để xảy ra khủng hoảng truyền thông./.