Cùng dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương. Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng cho biết, lần đầu tiên Chính phủ kiến nghị Quốc hội ghi kế hoạch trung hạn cho Ngân hàng Chính sách xã hội với con số 21.000 tỷ đồng trong 5 năm. Chính phủ quan niệm rằng đầu tư cho ngân hàng chính sách xã hội đối với người nghèo là đầu tư cho phát triển.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, con số ấn tượng là sau 15 năm, Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đã cho vay 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Vốn tín dụng chính sách đã đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới...
Thủ tướng nhấn mạnh, trong tất cả các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng ta đều xác định giảm nghèo bền vững là chủ trương quan trọng. Và tín dụng xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, một chương trình hỗ trợ vốn đặc biệt quan trọng và đã được triển khai thành công.
Đến nay, đã có 433.000 tỷ đồng giúp 4,5 triệu lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo và trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn để xuất khẩu lao động. Trên 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn…
Chính qua tiếp cận vốn tín dụng chính sách đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta. Đây là kết quả quan trọng và cần coi đây là kinh nghiệm quý sau 15 năm thực hiện chương trình.
Thủ tướng cũng đánh giá thành công quan trọng khác là nguồn lực tài chính được bảo đảm để cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Trong nỗ lực huy động các nguồn lực để triển khai tín dụng chính sách, Thủ tướng biểu dương Ngân hàng chính sách xã hội đã có sáng kiến thực hiện tốt việc nhận tiền gửi từ người nghèo, nhằm tạo thói quen tích lũy cho người nghèo, từng bước tiếp cận với tín dụng ngân hàng.
Cùng với chất lượng tín dụng được nâng lên, Thủ tướng đánh giá, dù có hơn 20 chương trình tín dụng chính sách với gần 7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác hiện còn dư nợ, nhưng tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,81%, mức rất thấp so với các ngân hàng thương mại.
Thủ tướng cũng đánh giá cao mô hình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách ngày càng hoàn thiện và phù hợp, đến được với mọi người nghèo với 11 nghìn điểm giao dịch, 200.000 tổ tiết kiệm vay vốn đến tận vùng sâu vùng xa:
Và một thành công quan trọng khác sau 15 năm qua, đó là qua tín dụng chính sách đã dần giúp người nghèo hình thành ý thức và ý chí vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Từ tâm lý ngại vay đã chuyển sang vay và sử dụng vốn hiệu quả. Chính nhờ nguồn vốn này mà góp phần đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi.
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, hiện cả nước vẫn còn 1,9 triệu hộ nghèo và 1,3 triệu hộ cận nghèo, nhất là các vùng sâu, vùng xa. Do đó, tín dụng chính sách vẫn có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, là một xung lực tạo bình đẳng và giảm nghèo bền vững.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu: “Tín dụng chính sách hay cán bộ làm tín dụng chính sách, hay hệ thống làm tín dụng chính sách nhất thiết phải gần dân, sát dân. Phải nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để đáp ứng tốt hơn, phù hợp nhu cầu của người vay vốn.
Tôi cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng cần tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới”.
Thủ tướng cũng chỉ ra 7 việc mà các bộ ngành, địa phương và Ngân hàng chính sách xã hội cần phải thực hiện. Trong đó cần đề xuất các giải pháp tăng nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xã hội.
Thủ tướng cho biết: “Lần đầu tiên Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội ghi kế hoạch trung hạn cho Ngân hàng Chính sách Xã hội với con số là 21.000 tỷ đồng trong 5 năm. Chính phủ quan niệm rằng đầu tư cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, cho đối với người nghèo là đầu tư cho phát triển. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước có giải pháp tiếp tục tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách”.
Cùng với đó, các bộ, ngành cần nghiên cứu các đề xuất của các địa phương để kịp thời điều chỉnh chính sách tín dụng về đối tượng, mức cho vay đảm bảo phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và đáp ứng cơ bản vốn tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần có nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương bền vững. Do đó cần quan tâm bố trí vốn ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ địa điểm, thiết bị, phương tiện làm việc cho ngân hàng hoạt động.
Thủ tướng cho biết, trong 63 tỉnh thành, nhưng số địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội với mức trên 100 tỷ chỉ có 16 địa phương. Trong đó Hà Nội đứng đầu với gần 2.000 tỷ đồng; Thành phố Hồ Chí Minh là 1.152 tỷ đồng. Tiếp theo là các địa phương Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Khánh Hòa…
Một điểm mới mà Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Chính sách Xã hội lưu ý là hướng tín dụng vào hỗ trợ người dân khởi nghiệp, nhất là phụ nữ, thành niên; hỗ trợ hình thành chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất, tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ, cải thiện năng lực sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam và tặng bằng khen của Thủ tướng chính phủ cho các tập thể và cá nhân đã có thành tích trong triển khai hiệu quả chương trình tín dụng chính sách./.