Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 11 diễn ra vào sáng nay, (18/11) Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật phải bám sát tình hình, khắc phục được những hạn chế, vướng mắc, bất cập từ luật hiện hành để đáp ứng các yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, xây dựng pháp luật là một trong những nhiệm vụ thực hiện 3 đột phá chiến lược được Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, trong đó có đột phá về thể chế. Căn cứ tình hình, yêu cầu thực tế, những tháng gần đây, hàng tháng Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ thảo luận theo nguyên tắc: Việc xây dựng pháp luật phải căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và căn cứ thực tiễn; trên tinh thần phân cấp, phân quyền, trong đó Chính phủ và các bộ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, cơ chế chính sách, phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát, kiểm tra... Đề nghị các đại biểu đóng góp các ý kiến sát tình hình, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật.
Bàn về 6 dự án luật: Luật Giá (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Luật giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi), các thành viên Chính phủ thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi. Bên cạnh đó các đại biểu cũng chỉ ra những hạn chế mà dự án cần tiếp thu sửa đổi.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo; trực tiếp làm các công việc xây dựng và hoàn thiện thể chế. Tăng cường nguồn lực gồm lựa chọn cán bộ, những người có kinh nghiệm, chuyên gia hiểu biết về pháp luật, có thực tiễn, lý luận để tập trung công tác này. Đầu tư cơ sở vật chất và điều kiện làm việc tốt hơn.
Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, người dân dân là chủ thể, phải được tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng luật: "Song song với việc nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, là nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện, thực thi pháp luật; đặc biệt coi trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Chúng ta đã xác định người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, vừa là chủ thể và là mục tiêu, động lực của sự phát triển, do đó mọi chính sách phải hướng đến người dân, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho họ. Người dân phải được tham gia quá trình này. Phải quán triệt tinh thần này trong xây dựng và hoàn thiện thể chế”.
Thủ tướng nhấn mạnh, phải tăng cường phân cấp, phân quyền trong quá trình hoàn chỉnh pháp luật: “Khi thiết kế quá trình hoàn chỉnh luật phải tăng cường phân cấp phân quyền, và tăng cường giám sát kiểm tra; cá thể hoá trách nhiệm; đồng thời phân bổ nguồn lực một cách công khai minh bạch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì chúng ta mới phân quyền phân cấp có tác dụng được”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu phải giải quyết hài hoà quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; phát huy dân chủ XHCN, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; đẩy mạnh kinh tế thị trường định hướng XHCN, tích cực chủ động hội nhập quốc tế bởi vì tất cả những điểm này đều liên quan việc hoàn thiện thể chế. Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ, trưởng ngành, đơn vị trực thuộc Chính phủ đầu tư công sức, trí tuệ vào lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật, đem lại hiệu quả, bảo đảm yêu cầu mục tiêu đề ra./.