Chiều nay, 8/2, tại Hà Nội, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ về phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tình hình dịch bệnh diễn biến xấu, có phần nghiêm trọng vì tình trạng lây lan trong cộng đồng đang diễn ra.
Do đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, các thành phố lớn đang có dịch được áp dụng các biện pháp mạnh để ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan các ổ dịch ra cộng đồng, gồm cả việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15,16 của Thủ tướng Chính phủ đối với những ổ dịch có diễn biến xấu.
Theo báo cáo của Bộ Y tế tại cuộc họp, nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn rất lớn khi các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vẫn còn nguồn lây trong cộng đồng chưa được phát hiện, đặc biệt ổ dịch phát hiện tại khu vực bốc dỡ hàng hóa của sân bay Tân Sơn Nhất hiện chưa rõ nguồn lây.
Bộ Công Thương cho biết, toàn quốc có 50 nghìn điểm bán khẩu trang, nên nguồn cung khẩu trang y tế và khẩu trang vải các loại rất dồi dào. Hàng hóa Tết cũng đảm bảo cung ứng đủ, kể cả các địa phương có dịch như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Trước việc xuất hiện các ổ dịch mới ở nhiều quận của Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là mối lo ngại tiếp theo bên cạnh các ổ dịch tại các địa phương khác chưa dập xong. Do đó, nếu xét nghiệm diện rộng những ngày tới, chắc chắn các ca nhiễm mới sẽ tăng lên. Đây là diễn biến xấu nên Bộ Y tế, Thành phố Hồ Chí Minh phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, vận động nhân dân hưởng ứng thực hiện chủ trương 5K của ngành y tế, trong đó hai việc phải làm ngay là đeo khẩu trang và không tụ tập đông người.
Thực hiện tốt Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ: "Các Thành phố và địa phương vận động công nhân viên và người lao động, chủ các nhà máy xí nghiệp, tổ chức sản xuất và sinh hoạt tại chỗ để không đi lại, giảm lây nhiễm, như Hải Dương đã làm. Trước hết là hạn chế tối đa việc đi lại ngay dịp Tết Nguyên Đán. Đồng ý để Bộ Y tế chỉ đạo xét nghiệm trên diện rộng ở một số khu vực dễ lây nhiễm, như bệnh viện, sân bay, các vị trí đang có dịch bệnh để truy vết, xử lý nhanh. Tất cả các địa phương, đặc biệt là ngành y tế, tham mưu đề xuất, chuẩn bị nguồn lực, kể cả sinh phẩm, vật tư y tế, lương thực, thực phẩm, bệnh viện dã chiến một số nơi, đề phòng tình huống xấu có thể xảy ra.
Nhấn mạnh vai trò của các địa phương là rất quan trọng trong phòng, chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trọng điểm của dịch phải có kịch bản ứng phó, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Thành phố Hồ Chí Minh là có nhiều điểm lây nhiễm vì vậy vận động thực hiện nghiêm 5K là không đủ mà phải yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm. Các tỉnh như Hải Dương, Quảng Ninh, Gia Lai, Hải Phòng tiếp tục thực hiện các phương án đã nêu. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phải có cách xử lý riêng với cách làm phù hợp. Ví dụ như thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng, giãn cách xã hội ở một số khu vực thấy cần thiết, tán thành đề xuất Bộ Y tế về giãn cách xã hội một số quận, địa bàn có ca lây nhiễm khi tình hình xấu có thể xảy ra. Hệ thống y tế, kể cả hệ thống chính trị, người dân phải được báo động mạnh mẽ hơn, nhất là các phương tiện truyền thông thông tin phải nói rõ tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng ở Thành phố lớn để chúng ta có biện pháp hạn chế đi lại và các biện pháp mạnh mẽ."
Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương kiên quyết không cho tổ chức các hoạt động tập trung đông người nếu thấy không cần thiết. Ngành y tế theo dõi thường xuyên để cùng Ban Chỉ đạo đưa ra biện pháp cụ thể để xử lý, kịp thời hỗ trợ các địa phương.
Người dân tiếp cận vaccine ngay quý 1
Về vấn đề vaccine, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí với đề xuất của Bộ Y tế mua vaccine phòng COVID-19 của Tập đoàn Astra Zanenca để người dân được tiếp cận ngay trong quý 1 năm 2021, đảm bảo phù hợp với các điều kiện của Việt Nam.
"Các điều kiện mà Liên Hợp Quốc đưa ra chúng ta cũng cần chấp nhận, đây là điều bình thường, công khai, minh bạch, trực tiếp đến người dân, không phân biệt. Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vaccine, đối tượng cần tiêm chủng, do ngân sách Nhà nước chi trả. Trong đó, đồng ý phương thức xã hội hóa một cách cụ thể. Trước hết ngân sách nhà nước hỗ trợ mua một lượng cần thiết, cùng sự hỗ trợ của các tổ chức. Các kiến nghị khác Bộ Y tế chuẩn bị kỹ, báo cáo Thường trực Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Tôi đồng ý để Bộ trưởng Bộ Y tế ký văn bản trả lời ngay hôm nay đối với các tổ chức liên quan về vaccine để có nguồn sẵn trong trong quý 1, trước hết khoảng 30 triệu liều" - Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh, tình hình xấu, nghiêm trọng ở một số trung tâm lớn của nước ta, Thủ tướng yêu cầu hệ thống chính trị làm hết sức mình để ngăn chặn dịch lây lan. Cơ bản là ngay trong Tết, ngành y tế, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Thường trực Chính phủ cũng phải dành thời gian cần thiết trong việc chỉ đạo phòng, chống dịch. Các địa phương với tinh thần 4 tại chỗ, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động xử lý dịch theo kinh nghiệm trong đợt dịch thứ nhất và thứ hai. Các cơ sở sản xuất kinh doanh về sinh phẩm y tế, khẩu trang, đẩy mạnh sản xuất để không thiếu hàng hóa.
Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng chức năng, nhất là ngành công an, quân đội, lực lượng quản lý thị trường…, tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, không gây tâm lý xấu xảy ra. Các địa phương, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, ngành công thương, chuẩn bị cơ số hàng hóa lớn để đảm bảo cung ứng bất kỳ lúc nào, nhất là trong dịp Tết.
Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình nghiêm trọng, nhưng, thái độ cương quyết, kịp thời, nhất định chúng ta sẽ dập dịch thành công./.