Chiều nay, 12/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp của Thường trực Chính phủ, nhằm đánh giá ảnh hưởng của dịch do virus Covid-19 (nCoV) đối với sự phát triển kinh tế xã hội của nước ta, cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay.

thu_tuong_fxxd.png
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước tình hình dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã sớm có nhiều biện pháp mạnh mẽ, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc ngăn chặn dịch.

Chính phủ chủ trương hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Nhiều tấm gương của tổ chức, cá nhân trong phòng chống dịch đáng được biểu dương. Chính những điều đó đã góp phần giúp việc kiểm soát dịch hiệu quả. Các giải pháp quyết liệt và đồng bộ của Chính phủ đang thực hiện được quốc tế, nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. 

Tuy vậy, Thủ tướng đặt vấn đề, không thể chỉ chống dịch mà lơ là nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội với nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao rất cao. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đó là “không được vì việc này mà bỏ mất việc kia”.

Đặc biệt là tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tốt nhất để thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao với tinh thần cao nhất, đảm bảo quá trình phát triển đất nước trong năm 2020 nhiều ý nghĩa.

“Chúng ta phải chống cả hai loại virus, một là nCoV và một loại nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc, lấy lý do là có dịch bệnh nên không hành động, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế xã hội của đất nước" - Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu không được đổ lỗi cho khách quan, không chịu triển khai các giải pháp mới, không chịu tái cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, sản phẩm do ảnh hưởng của Covid-19 gây ra, làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân, và đặc biệt là hệ thống doanh nghiệp.

Thủ tướng cho biết, tại phiên họp này, các bộ, ngành cần đề xuất các giải pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, du lịch, xuất nhập khẩu, các hoạt động khác, huy động cả xã hội hăng hái tham gia, chung tay giải quyết khó khăn.

Để làm được việc đó, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải tìm ra giải pháp làm gì vào lúc này để tiếp tục ổn định và phát triển đất nước thông qua sản xuất kinh doanh và dịch vụ, làm sao tái cơ cấu nền kinh tế, làm sao giảm chi phí, chính sách để thúc đẩy phát triển, kể cả kích cầu phát triển, giải ngân vốn, giảm phí, lệ phí một số dịch vụ, trong đó có dịch vụ logistic, hỗ trợ cho các nhà đầu tư...

“Làm sao giảm lãi suất, chuyển đổi thị trường, nhất là khi thị trường Trung Quốc ảnh hưởng đến nước ta. Chống dịch bệnh lây lan bằng các biện pháp quyết liệt, không mất cảnh giác, không hoang mang, nhưng đồng thời với đó, những giải pháp thúc đẩy phát triển trong lúc này hơn lúc nào hết cần phải đề ra mạnh mẽ, toàn diện hơn. Đây là một thử thách phải vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ năm nay. Bởi nếu cách làm bình thường thì tăng trưởng sẽ sụt giảm và ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu khác”- Thủ tướng nói. 

Nhấn mạnh về ý chí, bản lĩnh Việt Nam trong lúc khó khăn này, Thủ tướng đề nghị mọi cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân phải phấn đấu cao hơn nữa, giải pháp kịp thời, cụ thể hơn nữa, thích ứng tốt hơn nữa để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của năm nay./.