Sáng nay (16/6), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì cuộc họp của Ủy ban tìm kiếm cứu nạn về công tác chỉ đạo điều hành tìm kiếm cứu nạn từ 2015 đến nay và những tháng cuối năm.
Ngay đầu cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo lực lượng cứu nạn nhanh chóng triển khai các phương tiện, nghiệp vụ để cứu nạn phi công trong vụ máy bay SU-30 MK2 tại vùng biển Nghệ An.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn |
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, hôm nay, đã huy động 32 tàu quân sự, 144 tàu ngư dân các tỉnh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh phía Nam, 6 máy bay tham gia công tác tìm kiếm máy bay và phi công gặp nạn. Ngoài tìm kiếm trong vùng biển như hôm qua thì hôm nay sẽ mở rộng tìm kiếm ra phía ngoài 100 - 120km. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục thông báo hàng hải để ngư dân quan sát cứu phi công.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nước ta năm nào cũng chịu nhiều thiên tai, nhất là có bờ biển dài hơn 3.200km, chịu tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, trách nhiệm của Thủ tướng và các Bộ, ngành phải quan tâm đến công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu người, cứu tài sản của nhân dân khi sự cố xảy ra.
Đặc biệt là nâng cao nhận thức của nhân dân, các cấp, các ngành về tinh thần “4 tại chỗ”, để xử lý theo những nguyên tắc và phương châm chỉ đạo đã rút ra trong ứng phó khắc phục thiên tai. Thủ tướng cho rằng, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm rất lớn với đồng bào, chiến sỹ và nhân dân khi sự cố xảy ra. Cho nên trách nhiệm của từng Bộ, từng cơ quan phải rõ cùng với phương châm “4 tại chỗ”.
Thủ tướng chỉ đạo lực lượng cứu nạn nhanh chóng triển khai các phương tiện, nghiệp vụ để cứu nạn phi công trong vụ máy bay Su-30 MK2 tại vùng biển Nghệ An |
Theo báo cáo của Ủy ban Quốc gia tìm tiếm cứu nạn, 6 tháng đầu năm nay, khí hậu vẫn diễn biến phức tạp, hạn hán nghiêm trọng trên diện rộng và kéo dài; mưa lớn gây ngập lụt tại Hà Nội và TPHCM. Những vụ tai nạn, sự cố nghiêm trọng có chiều hướng tăng, điển hình như vụ chìm tàu ở Đà Nẵng, các sự cố về sập – đổ cầu, công trình; cháy nổ và cháy rừng vẫn xảy ra thường xuyên, đe dọa đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Từ đầu năm đến hết tháng 5, đã xảy ra gần 1370 vụ tai nạn, không tính tai nạn giao thông đường bộ và đường sắt, tăng 276 vụ so với cùng kỳ năm ngoái, làm chết 256 người, tăng 21 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong năm 2015, cả nước xảy ra gần 4.300 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố (không tính tai nạn giao thông), tăng 143 vụ so với năm 2014. Trong đó, xảy ra tai nạn nhiều nhất là hỏa hoạn, cháy nổ, sập đổ với gần 2.900 vụ; tai nạn trên biển là là 858 vụ.
Ngoài tình trạng hạn hán, nắng nóng kéo dài tại Nam Trung Bộ, mưa, lũ quét, sạt lở đất ở Đông Bắc Bộ, cháy rừng, thì có một số vụ tai nạn lớn như sập giàn giáo tại Công trường Formusa, khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh vào tháng 3 năm 2015; vụ 2 máy bay quân sự gặp tai nạn; sập hầm mỏ tại Hòa Bình…/.
Huy động 56 tàu tìm kiếm SU-30KM2 và phi công Trần Quang Khải