Trong chuyến công tác tại Tây Nguyên dự Hội nghị toàn quốc về giải quyết tình trạng di dân tự do và quản lý đất đai các nông, lâm trường quốc doanh diễn ra vào sáng 9/12, chiều 8/12, tại Thành phố Buôn Ma Thuột, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk.
Theo báo cáo của tỉnh, năm nay, kinh tế của tỉnh ước tăng khoảng 7,8%, 17/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, riêng chỉ tiêu về tỷ lệ che phủ rừng không đạt kế hoạch. Ước tính, thu ngân sách đạt 5.500 tỷ đồng; mới chỉ tự cân đối được khoảng 1/3 thu chi. Hiện toàn tỉnh có khoảng 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động.
Đắk Lắk cũng tập trung cho công tác giảm nghèo và năm nay giảm khoảng 2,55%, nhờ thúc đẩy các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng vốn cho vay ước đạt trên 4.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo một số bộ ngành cho rằng, tỉnh cần thu hút mạnh các nhà đầu tư về năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản. Với thế mạnh là rừng, tỉnh có thể phát triển kinh tế lâm nghiệp là mũi nhọn. Tỉnh có nhiều lợi thế du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng lại phát triển chưa tương xứng.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phải lấy lại màu xanh cho Tây Nguyên, cho Đắk Lắk, không được sa mạc hóa vùng đất quan trọng chiến lược này. |
Về kinh tế xã hội của tỉnh năm qua, Thủ tướng đánh giá cao tinh thần đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, chính quyền tỉnh, giúp tỉnh đạt một số kết quả tích cực, đời sống của người dân được nâng lên một bước. Thu hút đầu tư tư nhân đạt kết quả tích cực với 8 cụm công nghiệp và một số dự án đã triển khai. Tỉnh đã chú ý xây dựng nông thôn mới; cơ sở hạ tầng và hướng ra cho du lịch được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Đắk Lắk chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh và thiếu “quả đấm thép” là cốt lõi để tạo sự lan tỏa trong phát triển. Do vậy, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ. Bên cạnh đó, độ che phủ rừng của tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra; một số vấn đề xã hội như thiếu giáo viên, tình trạng tín dụng đen vẫn xảy ra.
Thủ tướng nêu hai nhiệm vụ trọng điểm mà Đắk Lắk phải thực hiện song song, đó là phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững biên cương tổ quốc. Để thực hiện nhiệm vụ đó, Thủ tướng chỉ đạo, tỉnh cần đưa các lợi thế của tỉnh thành hiện thực, trong đó có phải quan tâm đến trồng rừng và phát triển công nghiệp chế biến gỗ.
"Các đồng chí cần thảo luận để đưa một số thế mạnh thành hiện thực. Ví dụ như cà phê là báu vật thiên nhiên của Đắk Lắk. Vị thế nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới mang lại cho Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng sức mạnh nắm giữ, điều tiết nguồn cung trên thị trường xấp xỉ 2 tỉ người dùng cà phê mỗi ngày. Và nước ta là một quốc gia quyền lực về cà phê, trong đó Đắk Lắk là tỉnh trọng tâm. Chúng ta có phát huy được điều đó không? Làm sao để phát huy được điều đó. Các đồng chí đã tổ chức các hội chợ, nhưng phải làm gì cao hơn? Chính vì vậy mà định hướng nông nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao là rất quan trọng. Tinh thần là phải lấy lại màu xanh cho Tây Nguyên, cho Đắk Lắk, không được sa mạc hóa vùng đất quan trọng chiến lược này. Đây là trung tâm cây công nghiệp chất lượng cao, chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng. Giải quyết đất đai trên tinh thần là tạo điều kiện cho người dân, chấm dứt tình trạng phát canh thu tô, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc tại chỗ có đất sản xuất", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Đắk Lắk phải có mô hình mới trong phát triển để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là người nghèo.
Với tiềm năng văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn, con người “chân thật, nhiệt tình, vui tươi”, cũng là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, Thủ tướng cho rằng, Đắk Lắk phải khai thác các tiềm năng này cùng với các thế mạnh thiên nhiên để phát triển mạnh mẽ du lịch. Qua phát triển du lịch cũng góp phần giữ gìn văn hóa cho người dân bản địa. Muốn vậy, tỉnh phải quan tâm hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch như sân bay, khách sạn, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên...
Nhấn mạnh tầm quan trọng của vùng đất chiến lược Đắk Lắk và Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành đều phải có chiến lược phát triển Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk, đặc biệt là chiến lược về giao thông, đường sắt, đường bộ, đặc biệt là hàng không. Nhà ga (hàng không) Buôn Mê Thuột quá nhỏ bé. Nếu không chủ động sẽ không phát triển được. 22 nhà ga thì đều quá tải hết, công suất thiết kế 500 triệu lượt khách mà bây giờ 550 triệu (lượt khách) rồi, làm sao phát triển được.
"Tôi nói như vậy để các đồng chí tính toán, dù đầu tư tư nhân hay đầu tư Nhà nước. Tại sao Tây Nguyên không có đường sắt mà chỉ có đường bộ? Tất cả những hướng đó các bộ, ngành đều phải có chiến lược cho phát triển Tây Nguyên", Thủ tướng nêu rõ.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế của tỉnh, Thủ tướng yêu cầu Đắk Lắk phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút mọi nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế để sớm đạt được mục tiêu tự cân đối ngân sách. Thủ tướng đề nghị, trong các tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk phải đi đầu trong nhiệm vụ tiến tới tự cân đối được ngân sách.
Về tổng kết thực hiện Kết luận số 60 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, Thủ tướng Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ Đắk Lắk triển khai nhiệm vụ này.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải quyết một số kiến nghị của tỉnh về một số cơ chế và hạ tầng phát triển kinh tế xã hội địa phương./.