Phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính phủ chiều nay (30/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong quá trình phát triển, ngân sách Nhà nước không thể đủ để đầu tư cơ sở hạ tầng, cho nên chủ trương của Đảng, Nhà nước là phải xã hội hóa mạnh mẽ. Chính vì vậy vừa qua ngành giao thông đã vận dụng cơ chế hợp tác công – tư (PPP), trong đó có hình thức BOT để thực hiện nhiều công trình hạ tầng.
Thủ tướng khẳng định, chủ trương là hoàn toàn đúng, nhưng vấn đề đặt ra là quy trình, cách làm còn nhiều bất cập, trong đó có các khâu như đấu thầu, duyệt tổng dự toán, thời gian thu hồi phí, khoảng cách đặt các trạm phí, giá phí… Những điều này sẽ được xử lý giải quyết từng bước, nhất là một số đoạn có trạm thu phí quá dày, giá quá cao khiến nhân dân phản ứng.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành phải chấn chỉnh, sửa các quy định bất cập trong các dự án BOT, qua đó giảm phí BOT hơn nữa, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp.
“Không phải vì chuyện sai sót, khuyết điểm vừa qua trong đầu tư hình thức BOT mà dừng lại không làm BOT nữa thì tiền ngân sách đâu mà làm?”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề.
“Việc sai phải được kiểm tra xử lý nghiêm túc, sửa sai nghiêm túc, còn tiếp tục thực hiện chủ trương về BOT cũng như các hình thức PPP khác thời gian đến. Tôi giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát trong hệ thống của mình những công trình BOT vừa qua để sớm khắc phục tồn tại bất cập, nhất là trạm đưa phí lên quá cao, thời gian thu phí quá dài, đặc biệt là khoảng cách các trạm quá gần làm tổng chi phí rất lớn” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng chỉ đạo ngành giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo dành vốn phù hợp cho các dự án BOT. Ngoài BOT, ngành giao thông thông cần nghiên cứu bổ sung các hình thức đầu tư phù hợp, kể cả thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng.
Về trạm thu phí bất hợp lý gây bức xúc dư luận, nhất là tổng phí vận tải doanh nghiệp phải đóng tới 70 loại, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính lưu ý các quy định hiện hành về phí BOT, vốn cho vay các dự án BOT… để giảm chi phí.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì cùng Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương rà soát đánh giá tổng mức đầu tư các dự án BOT, mức phí và thời gian thu phí, kiến nghị giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay trong tháng 9 năm 2017.
“Tôi yêu cầu kiên quyết không để vấn đề BOT tiếp tục gây bức xúc trong dư luận”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định. “Khắc phục sớm tình trạng có đến 70 loại phí liên quan đến giao thông, chi phí vận tải, phí BOT quá cao. Hôm nay người ta chạy một cái tít mỗi container từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu mất 5 triệu đồng, bằng chi phí đi Singapore, có đúng thế không?" - Thủ tướng nêu câu hỏi và yêu cầu những tổ công tác đặc biệt của Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các ngành phải làm rõ vấn đề này.
"Phải xử lý nghiêm vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT. Rồi các đồng chí xem lại việc tổng thể hơn, nếu chúng ta làm cao tốc Bắc – Nam xong rồi thì phí BOT qua tất cả các trạm là bao nhiêu tiền để sử dụng có hiệu quả” - người đứng đầu Chính phủ nói.
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết, trong 23 dự án BOT mà Bộ Giao thông Vận tải vừa đàm phán thì có 18 dự án giảm thời gian thu phí khoảng 101 năm 4 tháng; 5 dự án thời gian phải tăng lên 30 năm 10 tháng.
Trong công tác quản lý, Bộ cũng đang kiện toàn lại, chỉnh sửa và nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ các sai phạm. “Ai có tội đến đâu xử lý đến đó” - Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng cho rằng, việc rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến BOT là cần thiết để tiếp tục thực hiện các dự án BOT khác, trong đó có dự án cao tốc Bắc-Nam. Khoảng một nửa vốn của dự án dự kiến huy động từ xã hội. Nếu không khắc phục được các vướng mắc sẽ khó triển khai một số đoạn của tuyến đường này vào năm 2019 hoặc năm 2020./.