Tiếp tục thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến sự phát triển của ngành nông nghiệp, sáng 15/3 tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Tham dự còn có lãnh đạo của nhiều bộ, ngành và địa phương, các doanh nghiệp.
Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tỉnh An Giang phối hợp tổ chức nhằm nhìn nhận những hạn chế của ngành hàng lúa gạo nước ta thời gian qua và tìm giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững của ngành hàng lúa gạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng ĐBSCL (Ảnh: VGP/Quang Hiếu) |
Gợi ý chủ đề thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sản xuất lúa gạo phải gắn với nhu cầu của thị trường; phải đặt vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất lúa gạo.
Cho biết vừa qua có 25 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng nhấn mạnh doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong phát triển lúa gạo Việt Nam, kể cả doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến và xuất khẩu.
Thủ tướng cho biết, trước khi vào dự hội nghị có tham quan một số gian hàng trưng bày các loại gạo với nhiều thương hiệu, nhưng Thủ tướng và nhiều bộ trưởng cũng không biết thương hiệu gạo đó là của địa phương nào. Trong khi đó, Campuchia đi sau Việt Nam về sản xuất lúa gạo tới 15 năm, nhưng họ đã có thương hiệu gạo mạnh trên thế giới và xuất khẩu được sang thị trường Châu Âu.
Thủ tướng mong muốn các đại biểu dự hội nghị đề xuất các giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu đề xuất biện pháp chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành hàng lúa gạo nếu có; đề xuất tháo gỡ các thể chế, quy định gây ách tắc trong sản xuất lúa gạo.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đặt vấn đề, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có gây cản trở gì, còn tình trạng ban phát hạn ngạch lấy tiền nữa hay không, có chấm dứt được tình trạng trung gian này không?!.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng gợi ý, cần tạo nguồn vốn trung, dài hạn với lãi suất chấp nhận được để nhà sản xuất, chế biến gạo xuất khẩu có thể tiếp cận.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau 30 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long đã cùng cả nước góp phần trong quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo và thúc đẩy xuất khẩu, tăng thu ngoại tệ và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Chỉ tính riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long, đến cuối năm 2015, diện tích đất lúa đã là 4,3 triệu ha, hệ số sử dụng đất lúa là 2,3 lần, năng suất gần 60 tạ/ha, sản lượng gần 26 triệu tấn, chiếm gần 60% sản lượng cả nước.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long đang chiếm 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước, có mặt tại 150 thị trường. Thị trường chính là Trung Quốc chiếm 38%, tiếp đó là Malaysia, Philippines, Bờ Biển Ngà mỗi thị trường 9%.
Dù các con số đạt được rất ấn tượng, nhưng hiệu quả, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh và phát triển thị trường lúa gạo còn thấp. Ví dụ, tỉ lệ thất thoát của nước ta là 13,7%, trong khi của Thái Lan và Ấn Độ chỉ là 6%; chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp khi tỷ lệ gạo trên 15% tấm chiếm tới hơn 1/3 lượng gạo xuất khẩu. Bên cạnh đó, nông dân sản xuất lúa gạo vẫn nghèo khi thu nhập mang lại cho người nông dân còn thấp. Mỗi hộ canh tác ba vụ nhưng lợi nhuận chỉ đạt 35-40 triệu đồng/ha. Con số này của Thái Lan gấp 2,7 lần, Indonesia và Philippines cao hơn 1,5 lần.
Dù cơ hội lớn của ngành hàng lúa gạo là nhu cầu thị trường thế giới lớn, nhưng thách thức đặt ra là biến đổi khí hậu, nước biển dâng, mặn xâm nhập diễn biến khó lường, ảnh hưởng nặng nề đế đến diện tích đất lúa và chất lượng đất lúa. Nguồn nước ngọt còn thiếu hơn khi các nước thượng nguồn các dòng sông xây dựng nhiều công trình thụy lợi và thủy điện. Trong khi đó, diện tích đất lúa còn manh mún, khó cho sản xuất hàng hóa với chất lượng đồng bộ; chưa có chuỗi liên kết bền vững; doanh nghiệp xuất khẩu gạo chưa thể hiện là đầu tàu dẫn dắt sản xuất… Cùng với đó là ngày càng nhiều nước sản xuất lúa gạo chất lượng cao, sản phẩm lúa gạo chịu sự cạnh tranh lớn.
Cùng với đề xuất một số giải pháp cho ngành hàng lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần đổi mới Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo hướng mở rộng thành viên để đại diện đầy đủ cho các tác nhân tham gia chuỗi giá trị lúa gạo.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, năm ngoái, xuất khẩu gạo của nước ta đạt trên 4,8 triệu tấn, đạt trên 2,17 tỉ USD, giảm cả về số lượng và giá trị. Cùng với việc có thị trường xuất khẩu gạo ổn định, điều đáng mừng là năm ngoái, giá gạo đã tăng trên 27 USD/tấn so với năm 2015.
Tuy vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, chưa bao giờ thị trường gạo lại có sự cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Do đó, gạo Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Trong khi đó, thế giới có xu hướng bảo hộ thị trường trong nước nên tạo các rào cản kỹ thuật đối với gạo Việt Nam, trong đó nhiều nước có hàng rào phi thuế quan, kỹ thuật liên quan đến truy suất nguồn gốc, năng lực, điều kiện… gây khó khăn cho xuất khẩu gạo của nước ta.
Để có đầu ra ổn định và mang lại hiệu quả cao cho sản phẩm lúa gạo, Bộ Công thương cho rằng, cần coi lúa gạo là một loại hàng hóa, điều chỉnh sản lượng lúa gạo hợp lý gắn với chuyển đổi diện tích đất lúa sang loại cây trồng khác và chăn nuôi. Trong sản xuất phải chú trọng nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý triệt để tình trạng tồn dư hóa chất đối với gạo. Gạo xuất khẩu phải truy suất được nguồn gốc khi xuất khẩu; sản xuất các loại gạo phải gắn với nhu cầu của từng thị trường.
Bên cạnh đó, phải có cơ chế thu hút đầu tư nguồn lực xã hội, nhất là doanh nghiệp; có cơ chế giúp doanh nghiệp có vai trò tiên phong trong xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất, đóng gói đến tiêu thụ; quan tâm coi trọng thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam. Bộ cũng đề xuất cần tập trung xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, sớm ban hành bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo Việt Nam phù hợp với quốc tế.
Bộ Công thương cũng cho rằng, cần hoàn thiện cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hỗ trợ thương nhân trong hoạt động xuất khẩu, kinh doanh./.
Thủ tướng: Cần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với các giống lúa