Sáng 6/4, tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự buổi họp mặt mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019 của đồng bào dân tộc Khmer.
Hơn 500 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; người có uy tín, Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các vị chức sắc tôn giáo, nhân sĩ, trí thức, gia đình chính sách, học sinh, sinh viên tiêu biểu là dân tộc Khmer và những người tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực của 17 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ.
Buổi gặp mặt và chúc mừng Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer Nam Bộ. Đây cũng là dịp để ghi nhận sự đóng góp của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và chư tăng Khmer trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cũng tại buổi gặp mặt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các địa phương gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước và khu vực Nam Bộ thời gian qua, thông tin về kết quả thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta trong vùng dân tộc Khmer.
Theo truyền thống, Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào dân tộc Khmer diễn ra vào khoảng trung tuần tháng 4 dương lịch hàng năm, còn gọi là Tết đón mừng năm mới. Đây là dịp có ý nghĩa đặt biệc quan trọng đối với người dân Khmer khi thêm tuổi, thêm nhiều may mắn, tốt đẹp. Tết Chôl Chnăm Thmây còn mang ý nghĩa chấm dứt nắng hạn, chuẩn bị cho vụ mùa mới trong năm.
Trước đó, cách đây ít hôm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư chúc mừng đồng bào dân tộc Khmer nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây. Trong thư, Thủ tướng nhấn mạnh, trong thành tựu phát triển chung của cả nước những năm qua có sự nỗ lực, đóng góp to lớn của đồng bào, đồng chí và các vị chư tăng dân tộc Khmer.
Nhấn mạnh năm 2019 là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Thủ tướng mong đồng bào, đồng chí, các vị chư tăng và kiều bào dân tộc Khmer tiếp tục đoàn kết, phấn đấu giành được nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa truyền thống; cùng cả nước chung tay xây dựng quê hương, đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp; mọi người, mọi nhà đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc như lời căn dặn của Bác Hồ trong bản Di chúc lịch sử này./.