Chiều nay (5/4), tại Thành phố Cần Thơ, nhân dịp về dự mừng Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay năm 2019 ở khu vực phía Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo các bộ, ngành làm việc với lãnh đạo các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long về việc triển khai nhiệm vụ phát triển vùng thời gian qua. Thủ tướng chỉ đạo phát triển đồng bộ cả 5 phương thức vận tải để phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam, trong đó có việc kết nối giao thông giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ với Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Cùng dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, lãnh đạo các tỉnh, thành phía Nam.
Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có các tuyến quốc lộ quan trọng theo trục dọc và ngang; có hệ thống đường thủy nội địa; 4 cảng hàng không; giao thông hàng hải và đường sắt. Tuy vậy một số đoạn vẫn đang trong quá trình đầu tư và cần đẩy mạnh đầu tư để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông vùng như nâng cấp quốc lộ 1, đẩy nhanh triển khai cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 2, đoạn Mỹ Thuận-Cần Thơ, cao tốc Bắc-Nam phía Tây, một số dự án tuyến cao tốc trục ngang... Cùng với đó là điều chỉnh quy hoạch cảng biển Sóc Trăng và bến cảng biển Trần Đề trong quý 2 năm nay, hình thành một cảng biển đáp ứng được tàu trọng tải 100.000 tấn; phát triển tuyến đường sắt kết nối Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã báo cáo về kết quả thực hiện và phương hướng phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Nghị quyết 120 (năm 2017) của Chính phủ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình bố trí nguồn lực thực hiện các chính sách phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, tổng vốn đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 là gần 204.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu là trên 73.000 tỷ đồng.
Về phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chiến lược phát triển vùng tập trung vào 3 mặt hàng nông sản chính là lúa gạo, thủy sản, trái cây. Cùng với đó là xây dựng Đề án hiện đại hóa hệ thống thủy lợi thích ứng biến đổi khí hậu...
Ủy Ban dân tộc cũng cho biết đang xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, trong đó có cả vùng đồng bào dân tộc Khmer, dự kiến trình Chính phủ cho ý kiến và trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10 năm nay.
Tại buổi làm việc, các địa phương trong vùng đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ vùng phát triển mạnh các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ thay; thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp để có đầu ra tốt và có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Cùng với đó là đổi mới mô hình sản xuất nông nghiệp của vùng trước biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến vùng.
Các địa phương cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hoàn thiện các tuyến đường quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của vùng; đầu tư phát triển nguồn nhân lực gắn với xuất khẩu lao động. Cùng với đó là có cơ chế huy động nguồn lực từ bên ngoài theo hình thức hợp tác công-tư với thủ tục nhanh, thuận lợi hơn...
Dù có quy hoạch phát triển vùng, nhưng các địa phương cũng cho rằng, cần có “chỉ huy” dẫn dắt sự phát triển của cả vùng; có cơ chế điều phối giữa các tỉnh trong vùng cho thuận lợi bởi các quy định hiện nay còn chồng chéo.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư để phát triển đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, bộ mặt cùng vùng thay đổi tích cực. Hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng đã có sự phát triển mạnh mẽ. Nhiều địa phương năng động, sáng tạo với nhiều mô hình phát triển hiệu quả, trong đó có mô hình nuôi tôm siêu thâm canh.
Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý các địa phương trong vùng không được chủ quan, cần có ý chí, tầm nhìn và giải pháp tốt hơn, quyết liệt để vượt lên tác động của biến đổi khí hậu, đưa vùng đất phương Nam phát triển nhanh hơn, tiếp tục nâng cao đời sống của hơn 20 triệu người dân đồng bằng sông Cửu Long và nhân dân khu vực phía Nam.
"Các đồng chí đặt vấn đề và chúng tôi nhất trí là đột phá về hạ tầng là quan trọng nhất. Hạ tầng không chỉ là cầu cống, đường sá, sân bay mà bao gồm cả hạ tầng xã hội, trường học, y tế, thiết chế văn hóa cho người dân. Đặc biệt là phát triển mạnh mẽ hạ tầng thông minh, đó là hạ tầng số đối với đồng bằng sông Cửu Long phải được ứng dụng mạnh mẽ hơn. Nếu chúng ta đi trước đón đầu, áp dụng mạnh mẽ thương mại điện tử ở đồng bằng sông Cửu Long thì tiêu thụ sản phẩm sẽ tốt hơn", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng phát biểu tại cuộc làm việc. (Ảnh: VGP) |
Về một số nhiệm vụ cụ thể thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sắp tới, Chính phủ sẽ có hội nghị sơ kết việc thực hiện Nghị quyết 120, nhất là việc chỉ đạo, dành nguồn lực cho phát triển vùng.
Việc quan trọng nữa là cần phát triển kinh tế thông qua thích ứng biến đổi khí hậu. Chỉ ra kinh nghiệm Israel, Hà Lan rất phát triển dù bị tác động của biến đổi khí hâu, Thủ tướng đề nghị phải nghiên cứu giải pháp thích ứng để phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ. Nhất là cần tái cơ cấu quyết liệt hơn trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm hàng nông sản. Gắn liền với đó là tái cơ cấu ngành kinh tế, nhất là dịch vụ kinh tế biển, logistics.
Cùng với đó là phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng cứng, đối với đồng bằng sông Cửu Long, gồm cả 5 loại hình giao thông vận tải, ngoài tập trung cho các tuyến đường bộ quan trọng thì cần có cả cảng biển lớn, đường sắt, hàng không... Từ những thông tin quan trọng về quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của vùng mà Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu ra, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là cam kết của Chính phủ, của Bộ Giao thông vận tải đối với sự phát triển vùng. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thực hiện cam kết để đến cuối năm 2020 thông tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, tiến tới triển khai tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau.
"Các tuyến khác của 5 hệ thống giao thông của Việt Nam phải được áp dụng ở ĐBSCL, kể cả đường sắt. Không có giao thông không phát triển được. Đây là nguyện vọng chính đáng của hơn 20 triệu đồng bào khu vực Tây Nam bộ. Còn việc kết nối các tỉnh miền Tây, miền Đông với Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ có một hội nghị kết nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ với Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Các vành đai, các tuyến quan trọng kết nối, vì đây là trung tâm thương mại lớn, đông dân cư, tiêu thụ lớn", Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh vai trò của liên kết vùng và tiểu vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đánh giá không có nơi nào ở nước ta có điều kiện liên kết vùng thuận lợi như đồng bằng sông Cửu Long. Do đó phải tổ chức thực hiện tốt để phát huy sức mạnh của từng địa phương.
Cho rằng việc kết nối của đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh chưa hiệu quả như mong muốn, Thủ tướng nhấn mạnh thực hiện tốt việc kết nối này. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhờ Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhờ đồng bằng sông Cửu Long.
Trong quá trình phát triển vùng, các địa phương phải lưu ý quan tâm phát triển y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa; đẩy mạnh giảm nghèo, nhất là đối với vùng đồng bào Khmer tiếp tục quan tâm đặc biệt đến đồng bào Khmer.
Trong thực hiện quy hoạch vùng và liên kết vùng, Thủ tướng nhấn mạnh phải có quy hoạch chất lượng, tầm nhìn xa. Thủ tướng cho rằng, cần có một Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm chỉ đạo về liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trong tổ chức thực hiện thì cần huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội bên cạnh nguồn lực của Nhà nước. Và đặc biệt là Đảng bộ, chính quyền các địa phương phải có quyết tâm chính trị cao, hành động cụ thể./.