Chiều 11/9, tại Đại Lễ đường nhân dân tỉnh Quảng Tây, thành phố Nam Ninh, Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị đối thoại bàn tròn với Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc.

Cùng dự có một số Bộ trưởng các Bộ cùng đại diện Lãnh đạo của Chính quyền tỉnh Quảng Tây.

Tại Hội nghị, đại diện chính quyền Quảng Tây cho biết, Hội nghị đối thoại bàn tròn với lãnh đạo các CEO hàng đầu của Trung Quốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009.

vov_ttt1_aokf.jpg
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị.
Qua 6 lần tổ chức, hội nghị đã đem lại nhiều kết quả rõ rệt, trở thành cơ chế quan trọng để thúc đẩy giao lưu kinh tế, thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN.

Đại diện chính quyền Quảng Tây khẳng định, Quảng Tây đặc biệt quan tâm đến việc phát triển hợp tác kinh tế, thương mại với Việt Nam.

Quảng Tây coi Việt Nam là địa bàn quan trọng để xúc tiến các chương trình hợp tác đầu tư nhất là trong các lĩnh vưc: Xây dựng cơ sở hạ tầng, hợp tác kỹ thuật, tài chính, tiền tệ, hợp tác biên mậu, du lịch, giáo dục, thể dục thể thao với phương châm đội bên cùng có lợi.

Việt Nam đã nhiều năm trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Quảng Tây. Năm 2015, kim ngạch thương mại giữa Quảng Tây và Việt Nam là 24,5 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam.

Quảng Tây mong muốn tăng cường mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện với Việt Nam và các quốc gia ASEAN.

Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh sự có mặt đông đảo của lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc, coi đó là biểu hiện sinh động của mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc và sự quan tâm của nhà đầu tư Trung Quốc đến Việt Nam.

Thủ tướng cũng đã thông tin đến các nhà đầu tư Trung Quốc, mới đây, Ngân hàng thế giới đã xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tăng 3 bậc, đứng thứ 5 trong 10 nước ASEAN và phấn đấu, trong năm 2017, Việt Nam sẽ vào tốp ASEAN-4.

Thủ tướng khẳng định với các nhà đầu tư, quan điểm của Chính phủ Việt Nam là coi thắng lợi, thành công của các nhà đầu tư là thành công của Chính phủ, các cấp chính quyền. Ngược lại, coi thất bại của các nhà đầu tư là thất bại của chính mình.

Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp Trung Quốc.

“Chúng tôi phấn đấu xây dựng môi trường kinh doanh cởi mở minh bạch cho mọi doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, với phương châm coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Việt Nam. Chúng tôi xác định rõ hướng đi là xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh. Bây giờ nhiều giấy phép ở Việt Nam chỉ cấp một ngày là xong, chậm nhất không đến 5 ngày. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp. Các cấp chính quyền của Việt Nam phải trực tiếp nghe các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài phản ánh xem khó khăn ra sao để tháo gỡ”, Thủ tướng nêu rõ.

Cùng với đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu lên những cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư Trung Quốc.

Đó là Việt Nam có môi trường chính trị, xã hội ổn định, có dân số vàng, giá nhân công rẻ, là nước thu nhập trung bình với bình quân đầu người khoảng 5.600 USD/năm.

Về tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Thủ tướng cho biết, đến nay có 21.000 dự án đầu tư của trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký hơn 300 tỷ USD.

Việt Nam cũng đang hội nhập sâu rộng, với việc đã tham gia 12 hiệp định thương mại tự do và đang đàm phán 4 hiệp định thương mại tự do khác, trong đó có Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của các thành viên ASEAN và Trung Quốc.

Thủ tướng cho rằng, khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc có cơ hội tiếp cận các thị trường rộng lớn mà Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm của Việt Nam là không tiếp nhận công nghệ lạc hậu để bảo vệ môi trường.

Thủ tướng đánh giá cao tiềm lực công nghệ của các nhà đầu tư Trung Quốc, mong muốn đón nhận những công nghệ tiến bộ đó.

Chỉ trong thời gian ngắn, đã có 22 câu hỏi của các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc gửi đến Thủ tướng và các Bộ trưởng.

Điều đó đã thể hiện sự quan tâm của các nhà đầu tư Trung Quốc đến thị trường Việt Nam.

Đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cho biết, Việt Nam có nhu cầu cao về phát triển năng lượng đáp ứng tăng trưởng kinh tế và mong muốn các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực này.

Hiện nay, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam khoảng 1.500 dự án, tổng vốn 11 tỷ USD, đứng thứ 9 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Năm ngoái, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam – Trung Quốc đạt trên 66 tỷ USD và 7 tháng đầu năm, đạt 38,2 tỷ USD.

Hội nghị đối thoại bàn tròn do Bộ Công Thương Việt Nam, Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc (CCPIT), Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc chủ trì; Ban thư ký Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại Đầu tư Trung Quốc – ASEAN và Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam (VIETRADE) hợp tác đồng tổ chức./.