Chiều nay, 29/11, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018 với chủ đề “Tìm giải pháp đột phá cho Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam”, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức.
Thủ tướng đã trực tiếp đối thoại với các nhà khởi nghiệp về nhiều vấn đề quan tâm như tiếp cận vốn, ưu đãi thuế, tạo hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi... Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, trong vòng một ngày phải cấp chứng nhận đầu tư nhanh cho các nhà khởi nghiệp.
Theo ước tính, mỗi năm tại nước ta có khoảng 1.000 dự án khởi nghiệp về công nghệ, bao gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SMEs) và các mô hình khởi nghiệp (Startups). Diễn đàn là dịp để các thanh niên, doanh nghiệp trẻ có các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các nhà đầu tư, các chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thảo luận, đề xuất, sáng kiến, giải pháp, đóng góp cho sự phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, hoàn thiện thể chế về thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Về thực trạng khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, sau khi nghe các nhà khởi nghiệp và chuyên gia và quỹ đầu tư phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu lên 3 vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất là những thủ tục còn chưa thực sự thuận lợi và gây chậm trễ; thứ hai là khó khăn trong gọi vốn, tiếp cận vốn, kể cả ngân hàng; và thứ ba là kinh nghiệm trong việc thu hút các nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp.
Cụ thể, từ thực tế các dự án khởi nghiệp, bà Thạch Lê Anh, Chủ nhiệm Vietnam Silicon Valley, cho biết, cần phải giải quyết nhanh các thủ tục để không bị tuột mất các nhà đầu tư “thiên thần”.
"Chúng tôi đã kêu gọi những nguồn quỹ trị giá 30 triệu USD, có rất nhiều nhà đầu tư có thể xác nhận, thông qua số tiền như vậy. Nhưng quay về với Việt nam, tôi đã thử làm với tập đoàn Lotte. Giai đoạn đầu tiên chỉ là 200.000 USD, nhưng bây giờ đã quyết định đầu tư vào Việt Nam khoảng 3 triệu USD. Nhưng có một việc khó là xin giấy phép từ cả Bộ Kế hoạch Đầu tư và Ngân hàng" - bà Thạch Lê Anh cho biết.
Thủ tướng trao đổi về một số nội dung các nhà khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quan tâm. |
Thủ tướng nhấn mạnh: "Tôi yêu cầu có một văn bản Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư 63 tỉnh, thành phố, anh nào khởi nghiệp thì cấp chỉ trong 1 ngày, không thì “thiên thần” biến mất rồi".
Về vấn đề vốn, các nhà khởi nghiệp cho biết, việc tiếp cận vốn còn khó khăn, kể cả tiếp cận các ngân hàng và các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Quỹ đầu tư CyberAgent Việt Nam & Thái Lan cho rằng, các nhà đầu tư mạo hiểm đến Việt Nam với số vốn còn nhỏ, chỉ từ 200 nghìn đến 2 triệu USD, nên cần có cơ chế huy động các nhà đầu tư lớn hơn.
Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng: "Hiện nay ở Indonesia có những dự án khởi nghiệp đã huy động được 3,5 tỷ USD. So với doanh nghiệp Việt Nam thì lớn hơn nhiều dù một số dự án chỉ huy động được 100 đến 200 triệu USD. Do đó cần có hỗ trợ để kéo nhà đầu tư lớn hơn vào nước ta. Khi đó nhiều nhà đầu tư nhỏ họ đi theo sau nhà đầu tư lớn như một hệ sinh thái khởi nghiệp".
Trao đổi về nội dung này, Thủ tướng giao Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trao đổi với các nhà khởi nghiệp.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, hiện một số ngân hàng đã có một số gói cho vay các dự án khởi nghiệp, nhưng nhu cầu của hai bên chưa thực sự “ăn khớp”. Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại có các gói cho vay “cởi mở” hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần thiết kế gói tín dụng dành cho các nhà khởi nghiệp: "Chúng ta đang nói một gói tín dụng có quy mô cao hơn, nhưng cơ chế vay phải thuận lợi hơn, phải được công bố rộng rãi sau hội nghị này để các nhà khởi nghiệp ít vốn, nhưng có ý tưởng. Bây giờ thiếu vốn thì Nhà nước tạo điều kiện ra sao? Cũng như cho sinh viên nghèo vay vốn, học hành tử tế và họ trả lại, không mất tiền.
Tôi đồng ý chủ trương này để cải cách mạnh mẽ hơn về vốn, tạo điều kiện cho khởi nghiệp Việt Nam. Tôi giao Ngân hàng Nhà nước hoàn thiện gói vốn tín dụng này để công bố rộng rãi thông tin cho các nhà khởi nghiệp khi đặt vấn đề vay khởi nghiệp sáng tạo".
Tại diễn đàn, các nhà khởi nghiệp cũng đã nêu nhiều giải pháp đột phá để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, như có các chính sách ưu đãi về thuế, thiết kế các công cụ phòng ngừa rủi ro; tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn; có giải pháp thu hút các nhà đầu tư mạo hiểm; tạo thuận lợi để các sản phẩm khởi nghiệp được tiêu thụ; có biện pháp kết nối giữa khởi nghiệp trong nước với nước ngoài; thúc đẩy đào tạo nhân lực để phục vụ cho khởi nghiệp và chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp...
Ông Hồ Đức Hoàn, nhà sáng lập của Edu2Review - nền tảng đánh giá giáo dục, đề xuất cần có cổng thông tin kết nối các vườn ươm, các nhà hỗ trợ, nhà đầu tư.
"Có rất nhiều quỹ đầu tư, có rất nhiều thông tin về ngân hàng cũng có những quỹ riêng của họ, các quỹ của các tập đoàn nước ngoài cũng như có các đề án của Chính phủ. Thế nhưng chúng ta chưa có một cổng thông tin để các starup lên đó liên kết. Trang web Cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đang là phiên bản dự thảo, không biết khi nào mới chính thức. Đối với starup thông tin như là “máu” của doanh nghiệp. Có thông tin càng nhanh thì xử lý càng nhanh, khả năng sống sót cao hơn" - ông Hồ Đức Hoàn chia sẻ.
Còn chị Phạm Như Phương, Giám đốc vận hành cuộc thi khởi nghiệp dành cho người Việt trên toàn cầu (VietChallenge) thì đề xuất: "Chúng tôi là tập hợp 50 bạn thanh niên sinh viên Việt Nam ở Mỹ và đội ngũ tri thức này làm việc không lương 4 năm qua để mong muốn giúp nâng cao chất lượng starup Việt Nam bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ qua các khóa học.
Mong muốn Chính phủ có chỉ đạo các chương trình như vậy và kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp Hoa Kỳ và các nước. Nếu có chương trình này, VietChallenge sẵn sàng đứng ra kết nối để đưa starup Việt ra thế giới, đặc biệt là Mỹ".
Thủ tướng phát biểu kết luận diễn đàn |
Nêu lên vấn đề đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo có vai trò rất quan trọng đối với các nước, trong đó có Việt Nam. Nếu không có đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, không đưa công nghệ cao vào phát triển thì nước ta khó tiến bước trên đường dài.
Thủ tướng đánh giá cao các nhà khởi nghiệp, các chuyên gia dự Diễn đàn đã nêu lên nhiều đề xuất, ý tưởng xác đáng để Chính phủ và các bộ, ngành xem xét nghiêm túc những ý kiến, đề xuất này.
Thủ tướng chỉ rõ: "Sự háo hức của các bạn hôm nay, sáng kiến của các bạn hôm nay, nói lên khát vọng thành công và những góp ý cho Chính phủ. Chính vì thế mà tôi đặt niềm tin lớn vào thế hệ trẻ. Các bạn đã được đào tạo bài bản và đang nỗ lực tiếp bước cha ông chúng ta trong xây dựng và phát triển đất nước. Sự thành công này khẳng định điều đó.
Trong những câu chuyện về thành công khởi nghiệp ở Việt Nam cũng như các quốc gia khác, tôi nhận thấy có một số điểm chung để thành công, đó là đam mê, khát vọng, dám nghĩ dám làm và đặc biệt là không sợ thất bại. Không có đam mê và thất bại thì không thể dốc hết trái tim và trí tuệ, nhiệt huyết của mình cho mục tiêu hướng đến. Không dám nghĩ dám làm thì không thể đi đến cùng với thách thức".
Đánh giá chưa khi nào phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mạnh mẽ như thời gian qua ở nước ta, Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà khởi nghiệp sáng tạo yên tâm khởi nghiệp, cùng song hành với Chính phủ để phát triển đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, Diễn đàn này đưa đến cơ hội cho nhiều đại diện ưu tú của cộng đồng khởi nghiệp trẻ với những dự án khởi nghiệp táo bạo gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và truyền lửa cho nhau. Rất nhiều bạn trẻ đã đạt được nhiều thành công ấn tượng ở phạm vi quốc tế và đây là tin vui cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt và cho đất nước.
Dù mới được hình thành không lâu nhưng Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã đứng thứ 3 trong ASEAN, và sẽ còn lớn mạnh và hoàn thiện hơn nữa trong những năm tới đây. Thị trường trong nước của Việt Nam đủ lớn và đang tăng trưởng nhanh, và do vậy hoàn toàn có thể đón nhận những sản phẩm của các bạn sáng tạo ra.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn quan tâm và đặt khởi nghiệp sáng tạo là một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Thủ tướng nhấn mạnh một số yếu tố cần cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là: cần có khung pháp lý hoàn thiện hơn cho khởi nghiệp sáng tạo; cần cơ chế vốn tài chính; thủ tục hành chính phải nhanh chóng, thuận lợi, thậm chí là “đại thuận lợi” cho các starup; có sàn chứng khoán để các nhà khởi nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn; tạo thuận lợi trong việc tư vấn cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nêu rõ, việc đổi mới chính sách mạnh mẽ, tạo sân chơi cho đổi mới sáng tạo Việt Nam là rất cần thiết trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, các địa phương phải tạo mọi điều kiện về chính sách và môi trường để các ý tưởng khởi nghiệp thành công.
Thủ tướng yêu cầu: "Chúng ta là đất nước 100 triệu dân, bên cạnh phát triển nhiều mặt được thế giới công nhận, thì những tiến bộ về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam theo tôi chưa đáp ứng được yêu cầu mong muốn. Chúng ta chưa tạo được môi trường khởi nghiệp thực sự thuận lợi và hiệu quả. Chính vì thế việc rà soát cơ chế chính sách, cơ chế vốn, thủ tục... tạo môi trường đầu tư cho khởi nghiệp là cần thiết qua diễn đàn lần này. Tiếng nói của các bạn đã đến trực tiếp những người làm công việc này".
Trong đó về vấn đề vốn cho hoạt động đổi mới sáng tạo, Thủ tướng cho rằng phải có cơ chế để tạo lập các Quỹ đầu tư khởi nghiệp huy động từ cộng đồng, các doanh nghiệp lớn trong nước. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương nghiên cứu, đề xuất và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 tới. Cần thiết kế chính sách theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, khởi tạo, tức chấp nhận và chia sẻ một phần rủi ro với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bởi đây là lĩnh vực đầu tư mạo hiểm./.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Kế hoạch Campuchia
Hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về tam nông