Sáng 27/7, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững.

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft; lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương.

thu_tuong_3_xsky.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự Hội nghị thưởng thức nghệ thuật Hát Then
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, kho tàng di sản văn hóa của dân tộc rất phong phú và đa dạng. Việt Nam có 8 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới. Cả nước có 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; gần 3.500 di tích quốc gia; 95 di tích quốc gia đặc biệt. Về văn hóa phi vật thể, cả nước cũng đã có gần 61.700 di sản, trong đó có 12 di sản được UNESCO ghi danh. Việt Nam cũng đã có 7 di sản Tư liệu được UNESCO ghi danh.

Đến nay, công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các di tích được thực hiện tích cực, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội các địa phương, trong đó có việc khai thác để phát triển du lịch. Năm 2017, riêng 8 khu Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam đã đón trên 16 triệu lượt khách, chỉ tính tiền vé tham quan và phí dịch vụ trực tiếp đã đạt trên 2.500 tỷ đồng. 

Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số; mở các lớp truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể ở nhiều địa phương với việc mời nghệ nhân xuất sắc truyền dạy…

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu lên một số bất cập trong việc bảo tồn và phát huy, phát triển các giá trị di sản văn hóa tại Việt Nam, trong đó có vấn đề phát triển du lịch chưa hài hòa dẫn đến mất cân bằng trong chiến lược và thực hành bảo tồn và phát triển di sản; cảnh báo việc đầu tư theo hình thức công - tư xây dựng các công trình khai thác các di sản theo hướng xâm nhập vào vùng lõi của các di sản; còn sự chồng chéo trong các quy định về đầu tư công, xây dựng với di sản văn hóa…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là hội nghị quan trọng, bởi vai trò lớn lao của di sản văn hóa cả vật thể và phi vật thể. Đây vừa là vấn đề cấp bách và lâu dài đối với sự phát triển đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh, việc giữ được văn hóa, hồn cốt của dân tộc có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhấn mạnh việc chúng ta đang nói đến một định hướng là kinh tế và văn hóa. Do đó bảo tồn và phát huy di sản là câu hỏi lớn trong định hướng kinh tế và văn hóa, và cũng là trách nhiệm của các cấp, ngành và địa phương.

Thủ tướng khẳng định: "Ý nghĩa của di sản mà mỗi người dân chúng ta, mà đặc biệt cán bộ làm công tác quản lý về văn hóa phải hiểu được, đó là báu vật của thiên nhiên ban tặng hoặc là kết tinh lao động sáng tạo mà cha ông từ đời này qua đời khác dầy công tạo dựng. Và tất cả chúng ta phải quán triệt một tinh thần là “cái gì cũng có thể xây được, sản xuất được, sáng tác được nhưng di sản thì không thể tạo ra được”. Vì vậy tuyệt đối không phá huỷ, làm hỏng hay hy sinh di sản dưới bất kỳ lý do gì để phục vụ phát triển. Để mất di sản dù là một phần chính là bắn súng vào quá khứ, đánh mất đi bản sắc dân tộc. Tôi mong cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt nhận thức công việc quan trọng này".

Thủ tướng cho rằng, cần quán triệt nhận thức di sản văn hóa và thiên nhiên không chỉ chứa đựng tinh thần lớn lao, vẻ đẹp huyền bí của tự nhiên mà còn là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước. Cho rằng, di sản về bản chất là thuộc về quá khứ và dễ bị cho ngủ yên, Thủ tướng yêu cầu phải luôn “sáng tạo” “năng động” để di sản có giá trị trong cuộc sống của thế hệ hiện tại.

Thủ tướng đề nghị phải giáo dục về di sản để tạo nguồn cảm hứng nuôi dưỡng lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Hoặc phải tìm các biện pháp phù hợp như cập nhật chính sách, luật pháp, phân cấp quản lý, đào tạo cán bộ, coi trọng chuyên gia để phát huy giá trị di sản tạo thương hiệu du lịch quốc gia, góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân. Thậm chí một bộ phận dân cư khá hơn, giàu hơn từ di sản cũng là cần thiết. Di sản không phải là di sản chết mà phải đóng góp vào phát triển bền vững. Và như vậy chúng ta có nhiệm vụ làm di sản luôn hồi sinh và tồn tại có ích.

Thủ tướng cũng cho rằng, để phát huy giá trị di sản phi vật thể cần tôn vinh các nghệ nhân và coi đó chính là báu vật sống của quôc gia. Cùng với đó, cần giải quyết hài hoà lợi ích giữa bảo tồn và phát triển, gìn giữ di sản và phát triển du lịch.

Với tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ trước hết là ngành văn hóa phải làm cho các di sản nước ta hồi sinh, sống động, đặc biệt phải đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng phục vụ yêu cầu này.

 Thủ tướng giao nhiệm vụ cho ngành văn hóa phải làm cho các di sản nước ta hồi sinh, sống động
Tuy vậy, Thủ tướng cũng tán thành với ý kiến của nhiều đại biểu phát biểu tại hội nghị về những tồn tại trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa về vấn đề nhận thức, ý thức pháp luật trong việc tôn trọng và bảo vệ di sản chưa cao. Chưa xử lý tốt quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, bảo đảm quyền lợi cho người dân nơi có di sản. Việc triển khai quy hoạch di tích ở nhiều địa phương chưa kịp thời; công tác bảo vệ di sản nhiều nơi còn chưa tốt, nhiều di sản còn bị xâm hại. Chính sách hỗ trợ nghệ nhân triển khai còn chậm…

Nêu lên một số nguyên tắc và phương hướng cơ bản bảo tồn di sản và phát triển bền vững thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, bảo tồn và phát huy di sản không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là sự nghiệp của quần chúng và cộng đồng. Nhà nước chỉ tạo khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách để nhân dân đóng vai trò then chốt trong việc bảo vệ, gìn giữ, lưu truyền và phát huy giá trị di sản. Theo đó, xã hội hoá, cộng đồng hoá trong lĩnh vực này là xu hướng tất yếu và cần thiết. Thủ tướng nêu rõ, hãy trả lại cho cộng đồng cái thuộc về cộng đồng. Di sản cần được bảo tồn phát huy từ gia đình, bản làng, trường học và xã hội.

Với tinh thần đó, Thủ tướng đã nêu một số giải pháp cụ thể mà các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện, trong đó có việc hoàn thiện khung khổ pháp lý; tăng cường giám sát bảo vệ an toàn các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới và các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; phân cấp quản lý và xác định rõ trách nhiệm trong quản lý di sản; xã hội hóa nguồn lực hiệu quả để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…/.