Sáng 27/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành.

han_lam_2_coxw.jpg
Thủ tướng gặp gỡ các nhà khoa học, cán bộ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao những kết quả mà Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đạt được thời gian qua, trong đó đã cung cấp, tham vấn nhiều thông tin tốt cho Đảng và Nhà nước; quy mô, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, các sản phẩm nghiên cứu của Viện không thua kém các Viện Khoa học Xã hội của các nước tiên tiến và giàu có trên thế giới.

Viện đã triển khai nhiều nghiên cứu quan trọng, góp phần đưa ra các gợi ý chính sách cho Đảng, Chính phủ trong nhiều vấn đề như kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng an ninh.

Các nghiên cứu về khoa học nhân văn của Viện góp phần nâng cao nhận thức và sự hiểu biết về lịch sử văn hóa và giá trị nhân văn Việt Nam, trong đó có việc hoàn thành Bảo tàng trong tòa nhà Quốc hội, trưng bày các di vật khảo cổ học được phát hiện dưới lòng đất của Nhà Quốc hội, làm sâu sắc hơn giá trị của khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Trong tư vấn chính sách, nhiều nghiên cứu của Viện đã góp phần tham mưu cho Đảng, Chính phủ các chính sách xã hội. Viện có nhiều nghiên cứu về biển Đông góp phần cung cấp thông tin, lý luận cho đối sách của Việt Nam trong vấn đề an ninh chủ quyền quốc gia.     

Thủ tướng yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nghiên cứu những vấn đề giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
Trong giai đoạn tới, Thủ tướng yêu cầu Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nghiên cứu những vấn đề giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

“Là viện nghiên cứu nhưng phải kịp thời nắm bắt nhịp thở cuộc sống của xã hội và thế giới cũng như bản sắc văn hóa xã hội của Việt Nam; đồng thời đầu tư thỏa đáng để các số liệu dự báo có độ tin cậy cao, có tư vấn đúng và trúng trọng tâm về các chính sách quản lý cũng như các quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ. Viện cần có chuyên gia đầu ngành trong vấn đề nắm hơi thở cuộc sống, giải quyết vấn đề trước mắt, đồng thời có chiến lược phát triển lâu dài tham vấn cho Đảng và Nhà nước”, Thủ tướng đề nghị.   

Song song với đó, Viện cần đánh giá và áp dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học của nhân loại vào việc giải quyết các bài toán của xã hội Việt Nam như khoảng cách giàu nghèo, vấn đề gia đình trong kinh tế thị trường. Viện phải là địa chỉ đỏ để các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đến đặt hàng giải quyết các bài toán mang tính xã hội cũng như là nơi cung cấp thông tin chuẩn mực về quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước nhanh chóng, kịp thời.

Nhấn mạnh “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, Thủ tướng đề nghị Viện tiếp tục tinh gọn bộ máy, áp dụng phương thức quản lý phù hợp để thu hút nhân tài, phát huy tối đa nội lực, mở rộng hợp tác quốc tế và hội nhập có hiệu quả vào chuỗi giá trị tri thức của nhân loại.  

Thủ tướng thăm gian trưng bày các kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam
Tại Hội nghị, Thủ tướng đặt hàng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội 5 chủ đề nghiên cứu lớn, trong đó có nghiên cứu đề xuất xử lý các thể chế kinh tế xã hội ràng buộc Việt Nam không phát triển được.

“Chúng ta phải nghiên cứu tháo gỡ những thể chế nào theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để xã hội phát triển, các lĩnh vực đều phát triển. Từ đó Viện đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết tốt bài toán chuyển dịch lao động giữa các khu vực. Hiện nay chênh lệch giữa nông thôn và thành thị rất lớn, người dân bỏ ruộng nương lên thành phố làm ăn. Vậy thể chế nào để “ly hương bất ly nông”, nhất là khi thành phố nhiều nhà cao tầng và chật cứng”, Thủ tướng nêu rõ.  

Thủ tướng cũng đặt hàng Viện nghiên cứu đặc điểm địa lý kinh tế nhân văn từng vùng miền, từ đó đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế phù hợp nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội bền vững; nghiên cứu giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng. Cùng với đó là tập hợp luận cứ khoa học mang tính thuyết phục cao để làm cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền quốc gia; nghiên cứu đề xuất cơ chế hữu hiệu hơn để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đưa Việt Nam đạt và vượt mục tiêu trên 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.

Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, nhưng theo dự toán năm 2017, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội vẫn được cấp đến 615 tỷ đồng, Thủ tướng nhấn mạnh, điều này thể hiện sự quan tâm, ghi nhận, đánh giá cao của Nhà nước đối với nỗ lực của Viện và yêu cầu Viện sử dụng hiệu quả nguồn vốn này.

Thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, năm 2016, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã thực hiện nhiều hoạt động cụ thể, như phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tạp chí Cộng sản tổ chức thành công Hội thảo “Văn kiện Đại hội XII của Đảng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”; đang phối hợp với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chương trình “Khoa học và Công nghệ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Từ năm 2017, Viện thực hiện Chương trình trọng điểm cấp Quốc gia “Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam”.

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, nhà nghiên cứu, chuyên gia của Viện
Năm 2016, Viện tiếp tục triển khai các vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách đặt ra trong đời sống xã hội và sự phát triển đất nước. Trong đó tập trung vào các vấn đề như thực hành dân chủ trong điều kiện một Đảng cầm quyền; dân chủ hóa trong kinh tế và trong đời sống xã hội; nghiên cứu các vấn đề về mối quan hệ giữa Nhà nước với doanh nghiệp; vấn đề khu kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và các vấn đề đặt ra khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại thế hệ mới. Đặc biệt, Viện đã nghiên cứu vấn đề thời sự được cả thế giới quan tâm là cuộc cách mạng công nghệ đang làm thay đổi cách thức sản xuất, chế tạo, được gọi là “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Ngoài ra, Viện đã thực hiện nhiều nghiên cứu khoa học nhân văn tiếp cận từ góc độ dân tộc học; văn hóa học; văn học, ngôn ngữ học…; hoàn thành dự án trưng bày dưới tầng hầm Nhà Quốc hội bằng Bảo tàng khảo cổ học dưới lòng đất đầu tiên ở Việt Nam, trưng bày và làm sâu sắc hơn giá trị của khu Di sản Hoàng thành Thăng Long./.