Sáng nay (11/3), tại Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017 do Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và chỉ đạo hội nghị. Cùng dự còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công An, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Thượng tướng Tô Lâm; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành; lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên; các vị khách quốc tế đại diện cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ; đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nông nghiệp công nghệ cao phải là một mũi nhọn
Kêu gọi đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã nêu lên các tiềm năng lớn để đầu tư, đó là hơn 2 triệu ha đất đỏ bazan, loại đất tốt nhất trên thế giới, có khả năng phát triển mạnh mẽ cây công nghiệp gắn với công nghiệp chế biến tạo giá trị gia tăng cao, nhất là các cây có thế mạnh như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, bông vải, chè, rau, các loại cây ăn quả…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 năm 2017 |
Với vùng cao nguyên đẹp nổi tiếng, Tây Nguyên có tài nguyên rừng, dược liệu, gỗ có thể phát triển công nghiệp chế biến; nhiều danh lam thắng cảnh, có tiềm năng phát triển du lịch. Tây Nguyên có hệ thống giao thông liên hoàn nối với các tỉnh duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ; có cửa khẩu quốc tế, không xa các cảng biển, thuận lợi cho hoạt động giao thương và xuất khẩu hàng hóa.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, khu vực này ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp rừng, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; mở rộng chuỗi các nhà máy chế biến lâm, nông nghiệp.
Tại hội nghị, lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng, Tây Nguyên cần có quy hoạch phát triển rõ ràng, lắng nghe và hỗ trợ các nhà đầu tư; giữ gìn bản sắc văn hóa đặc sắc của khu vực này để phát triển du lịch bền vững.
Đại diện các nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao phải là một mũi nhọn mà Tây Nguyên cần ưu tiên phát triển. Hiện nhiều nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với quảng bá thương hiệu sản phẩm để xuất khẩu và có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khác đang muốn đầu tư vào Lâm Đồng.
Để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, Tây Nguyên cần có cơ sở hạ tầng hoàn thiện và theo hướng ứng phó với biến đổi khí hậu; kết nối thị trường với vùng Đông Nam Bộ, các nước láng giềng Campuchia và Lào.
Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, là "mái nhà Đông Dương". Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thời gian qua, 5 tỉnh Tây Nguyên đã có sự khởi sắc, cơ sở hạ tầng phát triển tốt hơn, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh trật tự và an toàn xã hội đảm bảo.
Tuy vậy, Tây Nguyên vẫn có nhiều vấn đề tồn tại, như tình trạng mất rừng, mất nguồn nước, nhất là tầng nước ngầm sụt giảm sâu; môi trường sống xuất hiện nhiều vấn đề, mất đi cơ hội đầu tư phát triển; tiềm năng chưa được khai thác tốt để phục vụ phát triển.
Thủ tướng cho biết, có ý kiến cho rằng Tây Nguyên hiện như một bữa tiệc đã tàn canh, không còn là môi trường đầu tư hấp dẫn, không còn chỗ dành cho nhà đầu tư mới đến. Tuy nhiên, theo Thủ tướng nhấn mạnh, nhận xét đó chưa thể hiện được bức tranh khách quan và toàn diện về tiềm năng lớn chưa được khai thác của Tây Nguyên.
Thủ tướng đánh giá, Tây Nguyên vẫn như một cô gái đẹp không những ngủ quên mà còn chưa chuyển mình kịp với đất nước và thời đại. Chính vì vậy, cần tầm nhìn, chiến lược để phát triển Tây Nguyên.
“Tây Nguyên phải phấn đấu trở thành cao nguyên trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, giàu có về vốn văn hóa. Chìa khóa cho sự vươn lên giàu có của Tây Nguyên là phát triển ngành chế biến nông, lâm nghiệp, dược liệu, theo hướng đề cao bản sắc, tính độc đáo trong chuỗi giá trị nông sản thế giới. Đồng thời Tây Nguyên phải là biểu tượng nổi bật của du lịch Việt Nam, mang đậm sắc thái huyền thoại và di sản của châu Á thế kỷ thứ 21”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Để phát triển, Thủ tướng cho rằng, các tỉnh Tây Nguyên cần nhìn nhận một số điểm yếu cần khắc phục. Tây nguyên có gần 2 triệu ha đất bazan, có thể phát triển các cây công nghiệp, trong đó riêng cà phê chiếm 80% diện tích cà phê cả nước, nhưng xuất khẩu thô là chủ yếu, giá trị gia tăng thấp, chưa có khả năng dẫn dắt giá thế giới.
Một số loại cây khác như hồ tiêu, xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhưng kim ngạch chỉ đạt khoảng 1,5 tỉ USD; chưa nghiên cứu trồng hồ tiêu đỏ có giá trị cao gấp 4 lần hồ tiêu đen... Thủ tướng cho rằng, đây chính là những tiềm năng mà các nhà đầu tư cần khai thác để tạo giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, Tây Nguyên là vùng đất giàu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều danh lam thắng cảnh, khí hậu ôn đới nằm trong nước nhiệt đới, nhiều nét văn hóa độc đáo và đặc sắc, nhưng các tỉnh Tây nguyên lại chưa khai thác tốt tiềm năng về du lịch.
Thủ tướng gặp gỡ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. |
Cùng với đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch tập trung sản xuất quy mô lớn, chuyên canh, giá trị hàng hóa cao, nhất là phải tập trung chế biến sâu và mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm.
Trong phát triển công nghiệp, Thủ tướng gợi ý, bài toán mà Tây Nguyên và các nhà đầu tư phải giải là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao hàm lượng chế biến, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp.
Dù tiềm năng khai thác, chế biến gỗ của Tây Nguyên lớn, nhưng Thủ tướng nêu rõ, quyết tâm của Chính phủ là đóng cửa rừng tự nhiên.
“Tôi tái khẳng định quyết tâm mạnh mẽ hơn nữa của Chính phủ, bảo vệ rừng chính là bảo vệ phần cốt lõi của an ninh, không chỉ an ninh của vùng được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương này, mà là an ninh của toàn Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và cả nước. Tất nhiên, ai phá rừng tự nhiên, người đó vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm mọi tổ chức và cá nhân vi phạm. Chúng ta phải nhận thức được rằng,bảo vệ rừng là bảo vệ không gian sinh tồn, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sinh kế của người dân và không gian di sản của cha ông. Do vậy mọi hành vi phá rừng, khai thác lâm sản trái phép là tội ác”, Thủ tướng chỉ đạo.
Tránh tư tưởng làm manh mún
Đối với việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng năng lượng tái tạo của vùng, Thủ tướng lưu ý, phát triển năng lượng tái tạo ở những vùng đất không thể trồng được các loại cây.
Về cơ sở hạ tầng, Thủ tướng lưu ý các tỉnh Tây Nguyên tránh tư tưởng làm manh mún, cần tập trung nguồn lực với tinh thần là “góp gạo thổi cơm chung”, để có công trình then chốt ở Tây Nguyên. Cùng với đó là quy hoạch lại dân cư, tránh manh mún, gây khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng; lưu ý trong phát triển hạ tầng phải chú trọng xã hội hóa, kể cả hạ tầng kinh tế và xã hội, theo hình thức PPP.
Để có đầu ra cho sản xuất, Tây Nguyên cần liên kết với duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng tiêu thụ được các sản phẩm của vùng, cùng với đó phải chú ý kiên kết cơ sở hạ tầng, du lịch.
Thủ tướng nêu rõ: “Môi trường đầu tư kinh doanh ở các tỉnh Tây Nguyên nhìn chung còn chưa tốt, chỉ số CPI còn kém. Đất đai rộng lớn nhưng tiếp cận khó khăn, tính minh bạch chưa cao, chi phí thời gian và chi phí không chính thức còn lớn, các chính sách hỗ trợ chưa tốt. Hôm nay có 5 đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, 5 Chủ tịch tỉnh ở đây, các đồng chí phải có một chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở địa phương mình tốt hơn, có hình thức thu hút mạnh mẽ hơn, minh bạch hơn để thu hút đầu tư phát triển”.
Về đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Tây Nguyên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước đây chúng ta đặt vấn đề ổn định để phát triển, nay đổi lại là phát triển bền vững để ổn định an ninh lâu dài. Do đó, phải phát triển bằng được kinh tế, quan tâm sâu sắc hơn đến sinh kế và mức sống của người dân; có thái độ đấu tranh với kẻ xấu phá hoại bình yên của đất nước.
Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài tại Tây Nguyên và Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ giá trị đồng tiền Việt Nam; bảo vệ quyền tài sản, quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và luật pháp đã quy định. Chính phủ cũng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn nữa, đưa Việt Nam vào tốp 4 nước đứng đầu ASEAN.
Hoan nghênh các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội, bỏ vốn đầu tư vào Tây Nguyên, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư thực hiện các cam kết đầu tư với vùng và địa phương, đẩy nhanh các tiến độ dự án. Trong triển khai phải đảm bảo giữ gìn môi trường, quan tâm chăm lo đến đời sống người lao động.
Tại Hội nghị đã diễn ra lễ trao cam kết tín dụng đầu tư của các ngân hàng cho các dự án đầu tư với tổng vốn trên 29.000 tỷ đồng; trao chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư, thỏa thuận đầu tư cho các dự án với tổng vốn khoảng 80.000 tỷ đồng./.
Thủ tướng: Hạt cà phê là cầu nối đưa Tây Nguyên đến với thế giới