Phiên họp tập trung thảo luận, nêu quan điểm và đóng góp nhiều ý kiến về các định hướng đối với 3 vấn đề lớn liên quan đến kiện toàn hệ thống giáo dục quốc dân; phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông, tuyển sinh đại học và đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Tham dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương là thành viên Ủy ban và các chuyên gia, các nhà quản lý và nhà khoa học trong lĩnh vực giáo dục.
Báo cáo và ý kiến tại phiên họp đề xuất các định hướng đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân cả giáo dục mầm non, phổ thông đến hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đại học, trong đó giữ ổn định giáo dục phổ thông 12 năm gắn với tăng cường các hoạt động giáo dục trải nghiệm và giáo dục hướng nghiệp từ cuối cấp trung học cơ sở. Riêng cơ cấu hệ thống giáo dục phổ thông hiện còn hai phương án khác nhau.
Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học phân tầng các cơ sở giáo dục, xây dựng theo hướng nghiên cứu và hướng ứng dụng…Nhiều ý kiến cũng nhất trí đổi mới thi tốt nghiệp trung học phổ thôngvà tuyển sinh đại học, cao đẳngthành một kỳ thi chung và đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo hướng một chương trình nhiều sách giáo khoa…
Trên cở sở báo cáo và các ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: kiện toàn hệ thống giáo dục quốc dân; đổi mới tổ chức kỳ thi trung học phổ thông và tuyển sinh đại học và đổi mới chương trình, sách giáo khoa là 3 vấn đề lớn nhằm triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương 8 khóa XI. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp cũng như của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện các đề án, phương án quan trọng này.
Liên quan đến hệ thống giáo dục nghề nghiệp và đại học, Thủ tướng lưu ý hệ thống trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên ở cấp huyện cần phải rút gọn lại; sáp nhập trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, cao đẳng và cao đẳng nghề đảm bảo thống nhất về tên gọi, chuẩn đầu ra cũng như đảm bảo tính liên thông lên đại học.
Còn đào tạo đại học theo hai hướng: nghiên cứu và kỹ thuật, ứng dụng…Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, Thủ tướng đồng tình với nhiều ý kiến phải có chương trình chuẩn thống nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm còn sách giáo khoa tiếp tục xin ý kiến lựa chọn phương án do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa, đồng thời các tổ chức cá nhân biên soạn các sách giáo khoa khác hay phương án các tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa còn Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng tình với quan điểm tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia thay cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng với 2 yêu cầu: xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh.
Học sinh đăng ký dự tuyển vào đại học, cao đẳng sau khi đã có kết quả kỳ thi quốc gia. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện phương án tổ chức coi thi, chấm thi, đề thi và môn thi cũng như tổ chức kỳ thi quốc gia, đồng thời tuyên truyền, phổ biến rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân về phương án thuận lợi và hiệu quả nhất nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội…./.