Phiên họp thường kỳ tháng 7/2018 của Chính phủ diễn ra trong hai ngày. Ngày 31/7, Chính phủ dành một ngày để trao đổi về thể chế chính sách và ngày mai (1/8), họp về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7, 7 tháng đầu năm 2018 và định hướng thời gian tới.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội vẫn duy trì xu thế tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra. Tính đến thời điểm hiện nay, về cơ bản chưa có tác động lớn đối với thương mại trong nước, thị trường ngoại hối và tỉ giá có biến động ở một số thời điểm nhưng đã được Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh linh hoạt, kịp thời.
Về chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI), sau hai tháng liên tiếp tăng cao, Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành giá, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Nhờ đó, CPI tháng 7 đã giảm nhẹ, giảm 0,09% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, CPI bình quân tăng khoảng 3,45%, lạm phát cơ bản bình quân tăng ở mức hợp lý, khoảng 1,36% so với cùng kỳ.
Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/7 khoảng 7,69%, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định so với cuối tháng 6. Tỉ giá trên thị trường liên ngân hàng có diễn biến tăng do sức ép từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, đồng nhân dân tệ giảm giá, đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời có giải pháp điều chỉnh, kết hợp với các yếu tố vĩ mô tích cực nên cung-cầu ngoại tệ ổn định, thanh khoản ngoại tệ trên thị trường được đảm bảo. Thị trường chứng khoán phục hồi trở lại, VN-Index đạt 934,08 điểm vào ngày 24/7, quy mô vốn hóa tăng 8,3% so cuối năm 2017.
Vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ở mức khá, trong đó tổng vốn đăng ký ước đạt gần 23 tỷ USD, tăng 4,6%; giải ngân vốn FDI ước đạt trên 9,8 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ.
Về đầu tư trong nước, mặc dù tình hình đăng ký doanh nghiệp trong tháng 7 giảm so với cùng kỳ về số doanh nghiệp đăng ký mới (khoảng 3,5%) nhưng số vốn đăng ký tăng trên 29%, khiến quy mô vốn bình quân trên một doanh nghiệp đạt trên 10,8 tỷ đồng, cho thấy tiếp tục có sự dịch chuyển về chất đối với các doanh nghiệp.
Tính chung 7 tháng, cả nước có gần 75.800 doanh nghiệp được thành lập, với số vốn đăng ký đạt 771.000 tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và 6,4% về số vốn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo vẫn ở mức tương đối thấp, chiếm khoảng 12,4%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là gần 40.000 doanh nghiệp, tăng 45,6%. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình rà soát, làm sạch dữ liệu đăng ký doanh nghiệp, đã phát hiện ra số lượng lớn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trước đây mà không đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) phục hồi mạnh sau quá trình giảm từ các tháng đầu năm, đạt mức tăng trưởng rất tích cực trong tháng 7, ước tăng 14,3% so với tháng 7/2017. Tính chung 7 tháng, IIP ước tăng 10,9%, cao hơn mức tăng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,1%), trong đó, dẫn đầu cả nước là Hà Tĩnh (149,3%) chủ yếu do đóng góp của tập đoàn Formosa và Thanh Hóa (28%) do dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động.
Cán cân thương mại duy trì trạng thái xuất siêu, ước đạt 3,1 tỷ USD, bằng 2,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh những yếu tố tích cực, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với các khó khăn, thách thức, nổi bật nhất là sức ép về lạm phát vẫn tiếp tục hiện hữu do các nguyên nhân bên ngoài như giá dầu thô tiếp tục tăng cao (bình quân 7 tháng khoảng 74 USD/1 thùng, tăng 37% so với cùng kỳ), kéo theo giá cả hàng hóa cơ bản thế giới tăng cao; thị trường ngoại hối và tỉ giá ngoại tệ dự kiến sẽ có diễn biến khó lường do những phản ứng điều chỉnh của phía Trung Quốc trong căng thẳng thương mại với Mỹ cũng như việc đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất của Fed./.