Sáng nay (13/8), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 70 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 1/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu công để dành ưu tiên nguồn lực thỏa đáng cho công tác an sinh xã hội. Các địa phương khi chi và phân bổ nguồn lực phải nhớ ưu tiên người dân, người nghèo và đối tượng chính sách.
Thủ tướng nhấn mạnh: Các đồng chí cho đồng bào dân tộc vay 5 triệu đồng chỉ mua được nửa con bò, nửa con trâu thì làm sao được. |
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp không ít khó khăn và thách thức nhưng trong 3 năm qua Chính phủ vẫn dành ưu tiên hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm để triển khai toàn diện và cụ thể Chương trình hành động thực hiện các chính sách xã hội, nhất là đã bổ sung chính sách, mở rộng thêm 94.000 người có công, nâng tổng số người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng lên trên 1.384 người gắn với nâng mức trợ cấp ưu đãi; giải quyết 1,6 triệu việc làm mỗi năm; đồng thời đẩy mạnh các chương trình giảm nghèo, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội và giáo dục-nghề nghiệp, đảm bảo nước sạch, vệ sinh và các mục tiêu về y tế, nhà ở và thông tin tối thiểu cho người dân…
Các đại biểu cũng đã phân tích một vấn đề tồn tại nổi lên và biện pháp khắc phục mà trước hết là hệ thống chính sách an sinh xã hội còn tản mạn, thiếu tính hệ thống và kết nối; 186 văn bản mới ban hành để triển khai chính sách xã hội còn chồng chéo, nguồn lực phân tán và lồng ghép không hiệu quả; giải quyết chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; giảm chênh lệch giàu-nghèo giữa các vùng, miền; đặc biệt là các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số hiện vẫn còn chiếm tới 50%; hạn chế tình trạng tách hộ nghèo để được hưởng chính sách hoặc khi có chính sách mới thì số lượng đối tượng xét được hưởng thường tăng đột biến, có địa phương tăng tới 17% cũng như nghiên cứu chiến lược dân số theo hướng tăng tuổi thọ nhưng phải đảm bảo chất lượng sống…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Sau 3 năm triển khai Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Chính phủ, không chỉ tạo nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực mà nhiều chỉ tiêu đã hoàn thành vượt kế hoạch, góp phần cải thiện đời sống nhân dân, đảm bảo ổn định chính trị, trật tự xã hội, quốc phòng, an ninh, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Đây là nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Chính phủ không những không giảm bất cứ chính sách an sinh xã hội nào mà còn tăng thêm là sự cố gắng rất lớn.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khi phân bổ nguồn lực, chi ngân sách phải ưu tiên cho người dân, người nghèo và đối tượng chính sách. |
Để tiếp thục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Trung ương đã đề ra đến năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết của Trung ương; thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách xã hội trong 6 nhóm nhiệm vụ với 10 lĩnh vực cụ thể liên quan đến chăm lo người có công, giải quyết việc làm, giảm nghèo, bảo hiểm y tế, trợ giúp xã hội và giáo dục-nghề nghiệp, đảm bảo nước sạch, vệ sinh và các mục tiêu về y tế, nhà ở và thông tin tối thiểu cho người dân.
Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các cấp gắn với cụ thể hóa trong triển các chỉ tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch phù hợp với thực tế.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát hoàn thiện, bổ sung các chính sách cụ thể trên từng lĩnh vực như chính sách đối với người có công, giải quyết việc làm bảo đảm thu nhập tối thiểu, chính sách giảm nghèo….
“Nhân dân tin tưởng Đảng, Nhà nước thông qua các chính sách cụ thể và việc làm cụ thể để cải thiện và nâng cao đời sống của người dân” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh như vậy và yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đặc biệt lưu ý triển khai đồng bộ, đồng thời và liên tục các biện pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện có tới trên 50% là hộ nghèo và cận nghèo.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Hộ đồng bào dân tộc thường gắn với rừng, sống với rừng. Bây giờ điều chỉnh mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng tăng lên từ 300.000 đồng lên 400.000 hay 450.000 đồng có được không? Vừa được môi trường, vừa giữ được đầu nguồn cho thủy điện, vừa có thu nhập cho đồng bào. Thứ hai trong sản xuất cái gì làm được thì khuyến khích, tạo điều kiện, nhất là chăn nuôi gia súc rất thuận lợi đối với đồng bào như nuôi trâu, bò, dê… Trâu, bò, dê lúc nào cũng có thị trường, nhưng hiện nay cho vay 5 triệu đồng thì làm sao mua đủ được con bò hay con trâu? Bây giờ chúng ta sửa lại chính sách này cho đồng bào vay đủ mua gia súc. Thứ ba, cùng với giữ rừng, hỗ trợ vốn chăn nuôi, nơi nào đồng bào chưa tự túc được lương thực thì phải trợ cấp…”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phân tích rõ: trong điều kiện ngân sách còn hạn hẹp, Chính phủ phải thực hiện các chính sách xã hội là rất nặng nề nhưng phải làm và làm phải ngày càng có hiệu quả hơn, vì đây là mục tiêu, là trách nhiệm chính trị đối với người dân và đất nước.
Toàn cảnh Hội nghị |
Thủ tướng nêu rõ: “Chính phủ hết sức quan tâm dành nguồn lực cho an sinh xã hội. Nhân đây, tôi đề nghị các địa phương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Tỉnh ủy khi phân bổ nguồn lực hết sức chú ý vấn đề này. Chính phủ sẽ hết sức cố gắng kiểm soát chi, nguồn lực ngân sách dù có hạn nhưng nguồn lực bằng ngân sách phải dành ưu tiên, dành thỏa đáng bằng con số cụ thể cho an sinh xã hội.
Chúng ta phải tiết kiệm tối đa chi phí mua sắm, hội nghị, tiếp khách… phải thực sự tiết kiệm, vì tiền thuế của dân trong khi dân còn nghèo thì phải dành nguồn lực cho giảm nghèo, cho y tế, giáo dục, nước sạch… 10 lĩnh vực Trung ương đưa ra là hết sức thiết thực mà đây là lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, đây là ổn định chính trị xã hội, là phát triển bền vững, tiến bộ công bằng xã hội. Nói như vậy thì phải cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách, bằng nguồn lực, nói không mà không có tiền thì làm sao mà thực hiện được…”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tranh thủ thu hút các nguồn lực bên ngoài cho công tác xã hội nhưng phải bố trí, sử dụng và kiểm soát hiệu quả; huy động sự tham gia đóng góp của người dân nhưng phải phù hợp với khả năng và điều kiện thực tế. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh phối hợp tăng cường kiểm tra, đôn đốc, khen thưởng và uốn nắn kịp thời trong triển khai các chính sách xã hội. Sau hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai Nghị quyết của Trung ương về một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020…./.