Ngày 22/10, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010. Về các chỉ tiêu chính sách xã hội, Báo cáo của Chính phủ trình bày tại Kỳ họp khẳng định: “Thực hiện có kết quả việc bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách, những vùng khó khăn, các lĩnh vực văn hoá xã hội có bước phát triển mới trong điều kiện kinh tế suy giảm”.

Tuy nhiên trên thực tế, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để có thể thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu về chính sách xã hội. Đó là ý kiến của Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN.

PV: Thưa ông, suy giảm kinh tế năm 2009 là điều đã được dự báo, song dường như chưa được xem xét, cân nhắc đầy đủ khi xây dựng và quyết định chỉ tiêu giải quyết việc làm cũng như một số chỉ tiêu về an sinh xã hội khác. Có phải đây là một trong những nguyên nhân khiến chúng ta khó hoàn thành tất cả những chỉ tiêu này trong năm 2009?

ongloi.jpg
Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi: Năm 2009, do tác động của suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách xã hội, gây áp lực cho một bộ phận người lao động mất việc làm. Ảnh hưởng của chỉ số giá tiêu dùng tăng cao trong 2 năm 2008- 2009, cùng với những khó khăn của đời sống đã dẫn đến bộ phận chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đó là người nghèo, người lao động, người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Trên cơ sở điều chỉnh của Quốc hội về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, chỉ số giá tiêu dùng, Chính phủ đã có một số giải pháp tích cực để hạn chế tác động của suy giảm kinh tế đối với tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thông qua các biện pháp kích cầu, chính sách hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn. Đến giữa năm 2009, cùng với những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, tình trạng mất việc làm, đời sống của một bộ phận người nghèo, người lao động, nông dân đã giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, từ quý II năm nay xuất hiện tình trạng thiếu lao động trầm trọng với những ngành nghề cần nhiều lao động như may mặc xây dựng… nhất là vùng phía Nam. Đây không chỉ là hiện tượng mất cân đối cục bộ của nền kinh tế, mà bắt nguồn từ sự thiếu đồng bộ giữa chính sách kinh tế với chính sách đào tạo nhân lực đã kéo dài nhiều năm. Vì vậy, chỉ tiêu giải quyết việc làm chỉ có thể đạt khoảng 88,5%. Trong khi đó, chương trình mục tiêu quốc gia việc làm kế hoạch trong 5 năm (2006 - 2010) bố trí 2.295 tỷ đồng nhưng trong 4 năm chỉ bố trí được 1.310 tỷ đồng, bằng 57,1%.

PV: Có những chỉ tiêu hoàn thành, ví dụ như tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 11%, thế nhưng theo báo cáo của của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số hộ đói lại tăng lên 21%. Phải chăng kết quả giảm nghèo của chúng ta chưa thật bền vững, chưa phản ảnh đúng thực chất và chất lượng trong các chính sách giảm nghèo chưa cao?.

Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi:Đúng là kết quả giảm nghèo hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch song chưa thật bền vững, chưa phản ảnh đúng thực chất vì chuẩn nghèo chưa được điều chỉnh kịp thời với sự biến động của chỉ số giá tiêu dùng. Chuẩn nghèo hiện nay được ban hành từ năm 2005. Trong thời gian qua, giá trị thực tế của chuẩn nghèo giảm xuống nhanh chóng vì chỉ số giá tiêu dùng đến nay đã tăng trên 40% so với thời điểm ban hành chuẩn nghèo; hàng năm, khi rà soát hộ nghèo thì một bộ phận người nghèo sẽ phải ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương và không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhưng họ vẫn là người nghèo. Kết quả khảo sát của các địa phương cho thấy, đến cuối năm 2008, tổng số hộ cận nghèo cả nước khoảng 1 triệu hộ, với 3,8 triệu nhân khẩu. Trên thực tế đây chính là những hộ nghèo nhưng do chuẩn nghèo chưa được điều chỉnh kịp thời khi chỉ số giá tiêu dùng tăng nên họ không được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo.

Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo thực hiện một số chính sách mới để thúc đẩy công tác giảm nghèo, đặc biệt là Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo nhất. Tuy dự kiến sẽ đạt được chỉ tiêu kế hoạch, song trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo có một số vấn đề phải quan tâm, đó là:

 - Dù có trên 30 dự án và các hợp phần riêng lẻ về hỗ trợ giảm nghèo, nhưng do phân tán đầu mối quản lý và không có cơ quan chỉ đạo chung nên việc phân bổ còn dàn trải, chưa bao phủ hết với người dân.

 - Ngân sách bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo còn thấp, chưa đạt kế hoạch. Tốc độ giảm nghèo giữa các khu vực, các vùng còn chênh lệch lớn; miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc tỷ lệ nghèo còn cao, tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số có xu hướng gia tăng. Trong khi đó việc triển khai thực hiện Nghị quyết 30a còn nhiều khó khăn về nguồn lực.

PV: Hoạt động giám sát, khảo sát của Uỷ ban về các vấn đề xã hội thời gian qua đã tập trung vào một số chuyên đề như: chính sách xóa đói, giảm nghèo; lao động; triển khai đầu tư từ trái phiếu Chính phủ dành cho y tế… Từ thực tế công tác, ông có nhận xét gì về các chỉ tiêu an sinh xã hội khác?

Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi: Theo báo cáo của Chính phủ,cho đến nay vẫn còn 11% hộ gia đình người có công với Cách mạng có mức sống thấp hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú; còn 16 tỉnh chưa hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát đối với hộ gia đình chính sách có công; khoảng 1.000 xã chưa làm tốt công tác thương binh liệt sỹ. Số lượng đối tượng hưởng chế độ bảo trợ xã hội khá lớn (trên 1,25 triệu người), song mức chuẩn trợ cấp xã hội còn thấp (120.000 đ/người/tháng).

Dạy nghề nói chung và dạy nghề cho lao động nông thôn, miền núi nói riêng còn nhiều hạn chế do sự bất cập về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên và kinh phí thực hiện. Chưa tương xứng giữa quy mô đào tạo với chất lượng đào tạo và sử dụng.

Tình hình tệ nạn ma túy còn phức tạp. Hoạt động cai nghiện ma túy chưa có chuyển biến rõ rệt.

Nghị quyết số 18 của Quốc hội về xã hội hóa y tế đã tạo nhiều cơ hội phát triển cho ngành y tế. Tuy nhiên, do chậm triển khai ban hành văn bản hướng dẫn, chưa ban hành tiêu chí về y tế dự phòng (YTDP) nên các địa phương chưa có cơ sở để đề xuất phân bổ 30% ngân sách y tế cho YTDP; một số tỉnh không đảm bảo tỷ lệ tăng chi cho y tế cao hơn tỷ lệ tăng chi bình quân chung của xã hội, chưa dành tối thiểu 30% tổng kinh phí y tế cho YTDP và việc giải ngân trái phiếu Chính phủ còn chậm. Năm 2008, vốn được giao là 3.750 tỷ đồng: đến hết tháng 8/2009, giải ngân được 78%, trong đó nhiều tỉnh chỉ giải ngân được từ 15%-33%; năm 2009 (đợt 1, giao 3.000 tỷ đồng): đến hết tháng 8/2009, chỉ giải ngân được 54% và chỉ đạt 26% so với tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2008-2010.

PV: Với thực tế mà ông vừa phân tích, ông có kiến nghị gì về những giải pháp để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu an sinh xã hội trong thời gian tới?

Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi:Có 5 vấn đề lớn chúng tôi xin kiến nghị.

Thứ nhất là Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành một số luật về lĩnh vực xã hội, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Thứ hai, Quan tâm hơn đến tiến độ, nguồn lực thực hiện các Chương trình mực tiêu quốc gia việc làm, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Nghị quyết 30a và các dự án có liên quan, nghiên cứu, đề xuất cơ chế vận hành vốn và các biện pháp quản lý có hiệu quả hơn cho giai đoạn tiếp theo. Tăng cường phối hợp giữa các chương trình giảm nghèo bằng cách tích hợp và loại bỏ các điểm chồng chéo. Mở rộng phạm vi và chất lượng hệ thống đánh giá, đồng thời gắn hệ thống này với chế độ khuyến khích khen thưởng phù hợp. Đồng thời sớm ban hành chuẩn nghèo mới để có cơ sở rà soát đánh giá tổng hợp và thực hiện vào thời điểm 01/01/2011. Tuy nhiên, cần nâng cao hiệu quả các phương pháp xác định đối tượng hiện nay: việc xác định đối tương hỗ trợ giảm nghèo chính xác sẽ mang lại tác động lớn hơn đối với đời sống của người nghèo.

Thứ ba, Cần đánh giá đúng mức quá trình chi ngân sách cho phúc lợi xã hội trong tổng chi ngân sách giai đoạn 2001-2010 (Hiện tại ngân sách chi cho phúc lợi xã hội năm 2008 là 30%), và xây dựng mục tiêu, lộ trình chi ngân sách nhà nước cho phúc lợi xã hội giai đoạn 2010-2020 nhằm bảo đảm an sinh xã hội tốt hơn. Những hỗ trợ xã hội có mục tiêu trong tương lai phải trở thành một bộ phận trong chiến lược an sinh xã hội tổng thể toàn diện nhằm bảo vệ người dân trước những rủi ro và cú sốc về kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ tư, Tăng chi dành cho công tác y tế năm 2010 ít nhất 50% so với kế hoạch năm 2009 để thực hiện chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn, đặc biệt thực hiện chính sách hỗ trợ mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế. Thực hiện phân bổ ngân sách nhà nước cho y tế theo đúng quy định tại Nghị quyết 18 của Quốc hội, trong đó dành cho công tác y tế dự phòng tối thiểu 30% tổng ngân sách cho y tế. Tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện Luật bảo hiểm y tế và thực hiện chuyển đổi từ chi trực tiếp cho bệnh viện sang hỗ trợ đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.

Thứ năm, Xem xét kiến nghị của Bộ Y tế cho phép kéo dài thời gian triển khai trái phiếu Chính phủ đến năm 2012 để hoàn thành nâng cấp bệnh viện tuyến huyện-là cơ sở bền vững cho việc thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

PV: Xin cảm ơn ông!